Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Cập nhật ngày: 24/05/2021 19:13:44
ĐTO - Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông… tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác lợi dụng công nghệ cao diễn biến ngày càng tăng về số lượng, vụ việc, phạm vi, quy mô, tính chất và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, nhất là các đối tượng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến khó lường.
Qua công tác nắm tình hình và tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Công an tỉnh và Báo Đồng Tháp tổng hợp một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân để chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia tố giác tội phạm.
- Giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo. Các đối tượng sử dụng dịch vụ cuộc gọi trên nền Internet (VoIP) gồm các số như: +840…, +882…, +94(10)…, +94(70)… giả danh lực lượng Công an, Viện Kiểm sát… đe dọa bị hại có liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền… và yêu cầu bị hại phải kê khai và nộp toàn bộ số tiền vào số tài khoản do bọn chúng chỉ định để theo dõi, điều tra làm rõ, sau khi điều tra nếu không có liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền cho bị hại. Mặt khác, bọn chúng gởi hình ảnh lệnh bắt, lệnh phong tỏa tài sản cho bị hại xem qua tài khoản Zalo để tạo lòng tin và yêu cầu bị hại không cho người thân biết, sau đó bọn chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản của bọn chúng cung cấp.
Lưu ý khuyến cáo với phương thức, thủ đoạn trên, chúng ta tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi có người lạ điện thoại vào số điện thoại của mình tự xưng là Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… (nếu đã chuyển thì báo ngay cho Ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển). Vì Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án không lấy lời khai qua điện thoại và gởi các lệnh bắt qua mạng xã hội.
Khi thấy những số điện thoại lạ có những đầu số như trên nên ngắt máy ngay, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn bọn chúng. Cần trao đổi, tham khảo ý kiến người thân, bạn bè những thông tin trên để được tư vấn, tránh tình trạng bị lừa đảo.
- Lừa đảo bằng thủ đoạn “bẩy tình” trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter…). Các đối tượng trong và ngoài nước giả danh quân nhân đang công tác nước ngoài, tìm cách làm quen, “giả vờ” yêu để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ bằng cách hứa tặng quà, tiền có giá trị cao như: vàng, kim cương, USD… Tuy nhiên để nhận được tiền, quà tặng, đối tượng lừa nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan, thuế… bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng.
Đối với thủ đoạn trên, chúng ta tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng này, bất cứ giá nào cũng không được gởi tiền cho người lạ, khi chưa biết rõ họ là ai. Cần tỉnh táo với các mối quan hệ trên mạng xã hội, đặc biệt là với người ở nước ngoài. Đây là những thủ đoạn của bọn tội phạm dựng lên lợi dụng sự thiếu hiểu biết và đánh lừa vào lòng tham của người dân để lừa đảo. Cần trao đổi, tham khảo ý kiến người thân, bạn bè những thông tin trên để được tư vấn, tránh tình trạng bị lừa đảo. Khi phát hiện đối tượng có nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để hỗ trợ điều tra, phát hiện, xử lý.
(Còn tiếp)
Đ.D