Kiên quyết xử lý vi phạm hạ thấp lớp đất mặt và đào ao nuôi cá ngoài vùng quy hoạch
Cập nhật ngày: 18/05/2018 06:38:58
ĐTO - Thời gian qua, trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng người dân lấy lớp đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp bán cho lò gạch để sản xuất gạch, bán cho hộ gia đình, cá nhân khác đắp mô lên vườn, tự ý đào ao nuôi cá,... không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tình trạng này không những làm biến dạng địa hình của đất mà còn làm cạn kiệt độ phì nhiêu của đất và ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các hộ xung quanh.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc hạ thấp lớp đất mặt. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc hạ thấp lớp đất mặt.
Về việc chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng đất nuôi trồng thủy sản của UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ trì, phối hợp cùng Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung nhu cầu sử dụng đất nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường vùng nuôi; tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động xả thải của các khu nuôi trồng thủy sản tập trung; hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các ngành chức năng rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tăng cường thu hút đầu tư phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy hoạch; tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi, xây dựng và triển khai các chương trình, các dự án lớn đã đề ra trong quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý; có biện pháp xử lý đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và kiên quyết xử lý việc đào ao nuôi cá ngoài vùng quy hoạch (nhất là cá tra) theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố giám sát đối với các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với cơ sở chưa được phê duyệt hoặc xác nhận thủ tục hành chính về môi trường phải có giải pháp yêu cầu cơ sở nuôi trồng khẩn trương hoàn thành thủ tục đúng theo quy định; có công trình xử lý nước thải; bố trí công trình ao lưu giữ bùn có diện tích tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi và có giải pháp xử lý bùn thải đúng theo quy định...
Địa phương nào để xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người khác mà không xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Nhật Anh