Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác hoạt động tín dụng đen
Cập nhật ngày: 23/07/2018 14:39:18
ĐTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện một số đối tượng từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” đã gây ra các vụ đòi nợ mang tính chất bạo lực như: tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người vay nợ, những vụ đánh nhau gây thương tích, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn - Giám đốc Công an tỉnh kêu gọi người dân cảnh giác với “tín dụng đen”
Thủ đoạn hoạt động tín dụng đen là “vay dễ, vay nhanh không thế chấp”, nên người vay ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi vay. Các đối tượng cho vay nặng lãi với chiêu thức phát tờ rơi trên các tuyến đường, khu công nghiệp, trường đại học hoặc nhắn tin qua điện thoại... với nội dung cho vay tiền với thủ tục đơn giản, thỏa thuận lãi suất.
Khi người vay đồng ý thì các đối tượng làm hợp đồng có chữ ký của hai bên và thế chấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe mô tô, bảo hiểm y tế... Các đối tượng xác định chính xác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và tạm trú của người vay thì mới lập hợp đồng cho vay, trong hợp đồng không ghi lãi suất mà chỉ ghi lãi suất do hai bên thỏa thuận để tránh việc xử lý của Cơ quan điều tra về hành vi cho vay “lãi nặng”.
Các đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động trá hình “núp bóng” bằng cách thành lập công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại hoặc công ty thương mại, cầm đồ, xe mô tô hoặc ô tô... Khi có người đến vay tiền, các đối tượng lập 2 hợp đồng cho khách hàng là hợp đồng cầm cố tài sản và một hợp đồng giữ hộ hay hợp đồng thuê lại xe của mình để sử dụng, nhưng hàng ngày phải góp tiền cho các đối tượng cho vay với lãi suất rất cao từ 20 - 30%/tháng.
Trước tình hình đó, từ ngày 7/5/2018 đến hết ngày 15/7/2018, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Qua 45 ngày đợt cao điểm, các đơn vị và Công an địa phương đã triệt xóa 66 vụ với 140 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thu giữ hơn 21.600 tờ rơi quảng cáo, 8 poster quảng cáo, 41 sổ hộ khẩu, 45 giấy chứng minh nhân dân, 520 hợp đồng vay, đặt cọc, thuê tài sản, 2 cây gậy 3 khúc, 1 dao tự chế...
Kết quả, đã xử lý vi phạm hành chính 28 vụ 55 đối tượng, cho cam kết không tái phạm 9 vụ 18 đối tượng (phát tờ rơi), xác minh 28 vụ 64 đối tượng; chuyển cơ quan khác 1 vụ 3 đối tượng. Công an các địa phương phối hợp lực lượng chức năng đồng loạt ra quân tháo gỡ được 27.240 giấy quảng cáo cho vay dán trên các cây xanh, cột điện, cột tín hiệu đèn giao thông...
Trong đó, điển hình là vụ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.Sa Đéc kiểm tra cơ sở rửa xe Xuân Quỳnh, số 66 đường Nguyễn Tất Thành, khóm 2, phường 1, TP.Sa Đéc, phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Thư (SN 1993) ngụ tỉnh Tuyên Quang có hành vi cho vay lãi nặng, thu giữ 3.600 tờ quảng cáo cho vay, 417 hợp đồng vay tiền, 2 cây gậy ba khúc và nhiều giấy tờ, sổ sách khác có liên quan. Qua điều tra, đối tượng khai nhận cho vay 725 lần vay với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng (với lãi suất 20%/tháng, tổng lãi sẽ thu hơn 570 triệu đồng/tháng).
Thời gian tới, ngành Công an phối hợp các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay lãi nặng, hoạt động “tín dụng đen” để người dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa, không tham gia vào các giao dịch không rõ ràng, vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật...
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn - Giám đốc Công an tỉnh, người dân nên nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” và các băng nhóm hoạt động vi phạm pháp luật. Nhất là không nên tham gia vào các giao dịch không rõ ràng để tránh bị các đối tượng lợi dụng cho vay với lãi suất cao; có giải pháp quản lý con em, không để các em tụ tập thành các nhóm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để góp phần phòng ngừa các băng nhóm tội phạm mới phát sinh.
Nhật Anh