Phòng điều tra thân thiện góp phần bảo đảm quyền trẻ em

Cập nhật ngày: 06/07/2018 10:05:32

ĐTO - Phòng phỏng vấn, xét hỏi thân thiện (gọi tắt là Phòng điều tra thân thiện) tại Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Đồng Tháp đã hoạt động nhiều năm, góp phần đảm bảo quyền trẻ em (TE), thu thập thông tin về vụ án đầy đủ, chính xác, hỗ trợ công tác điều tra nhanh chóng và hiệu quả.


Lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương tham quan Phòng điều tra thân thiện tại Phòng PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp

Thực hiện Công văn số 2223/C14(P7), ngày 22/9/2006 của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an về việc xây dựng Phòng phỏng vấn, xét hỏi thân thiện đối với TE là nạn nhân, nhân chứng và TE có hành vi vi phạm pháp luật, ngày 9/10/2006, Phòng PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp tiến hành cho sửa chữa, nâng cấp một phòng làm việc của đơn vị thành Phòng lấy lời khai thân thiện và hoạt động từ tháng 12/2006 đến nay, phòng được trang bị một số vật dụng như: bàn, ghế, tủ lạnh, đồ chơi TE.

Việc đưa vào sử dụng Phòng điều tra thân thiện và các thiết bị chuyên dùng thật sự cần thiết cho công tác điều tra thân thiện đối với TE. Tháng 11/2011, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam hỗ trợ Công an tỉnh Đồng Tháp lắp đặt thêm 2 phòng điều tra thân thiện với TE tại Công an TX.Hồng Ngự và huyện Lai Vung. Nhiều đồng chí điều tra viên của Phòng PC45 Công an tỉnh được tham gia các lớp tập huấn về công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc có liên quan đến TE; kỹ năng phát hiện, điều tra xử lý tội phạm mua bán người và nhiều hội thảo khác có liên quan đến hoạt động điều tra thân thiện với TE. Phòng PC45 luôn ưu tiên bố trí các điều tra viên đã được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện với TE để thụ lý điều tra những vụ án liên quan đến TE.

Từ năm 2014 - 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 124 vụ với 129 TE bị xâm hại, trong đó TE bị hiếp dâm, giao cấu chiếm tỉ lệ cao. TE, người chưa thành niên vi phạm pháp luật xảy ra 364 vụ với 505 em. Các hành vi vi phạm phổ biến là trộm cắp tài sản, đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Phòng điều tra thân thiện được sử dụng 115 lượt để làm việc với bị hại, nhân chứng và người vi phạm pháp luật là TE; 113 trường hợp phụ nữ bị nghi vấn mua bán ra nước ngoài, hiếp dâm.

Đại tá Dương Anh Kiệt - Trưởng Phòng PC45 Công an tỉnh cho biết: “Phòng điều tra thân thiện với TE giúp lấy lời khai đảm bảo đúng thành phần theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (có gia đình nạn nhân, đại diện cơ quan tổ chức xã hội, người bào chữa...). Khi giải lao, các em được đọc truyện và sử dụng những đồ chơi có sẵn trong phòng, tạo tâm lý thoải mái cho TE để các em gần gũi, thân thiện hơn. Việc sử dụng Phòng điều tra thân thiện thúc đẩy sự hợp tác của TE với cơ quan điều tra; những tình tiết phức tạp, khúc mắc từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện cho công tác điều tra, xử lý vụ việc nhanh chóng, góp phần nâng cao tỉ lệ điều tra khám phá án”.

Ngoài ra, Phòng PC45 đã phối hợp một số địa phương, ngành liên quan thực hiện Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013- 2016; mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”. Tòa án nhân dân tối cao tổ chức lễ ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại Đồng Tháp (nằm trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh) nhằm bảo đảm quyền TE. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã xây dựng được hệ thống bảo vệ TE địa phương, thúc đẩy hoạt động tư pháp thân thiện với TE và hỗ trợ dựa vào cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn