Thực hư chuyện một giáo viên suýt bị đẩy vào vòng lao lý (?!)

Cập nhật ngày: 15/06/2018 10:26:17

ĐTO - Dư luận vẫn đang bàn tán xôn xao về trường hợp một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Thạnh 3 - tọa lạc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, suýt bị đẩy vào vòng lao lý vì có sự “giúp sức” của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh. Từ dư luận trên, phóng viên Báo Đồng Tháp tìm hiểu để làm rõ thực hư của vụ việc.


Dấu vết thương tích trên vùng cằm của bà Nguyễn Thị Thu Hương được kết luận có tỷ lệ thương tật 12%

Theo tài liệu thu thập được cho thấy, ngày 26/2/2017, qua trao đổi bằng điện thoại trước nên chị Nguyễn Huỳnh Oanh (chị Oanh cho phép công khai tên, tuổi của mình) - giáo viên Trường Tiểu học Bình Thạnh 3 (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) đến nhà bà L.T.T. ở ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh gặp chị Nguyễn Thị Loan (SN 1972) lấy số tiền 200 triệu đồng mà chị Loan (chị Loan là vợ ông Trần Văn Vinh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh) nợ trước đó. Khi đến nơi thì không gặp chị Loan mà gặp Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1981), Nguyễn Thị Thu Em (đều là em ruột của chị Loan cùng ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) và xảy ra cự cãi, đánh nhau. Lúc này, anh Nguyễn Công Thức (chồng chị Oanh) chạy xe mô tô đi giao thảm lót nền nhà cho khách hàng nhìn thấy Thu Hương và Thu Em đang đánh nhau với chị Oanh nên dừng xe lại và chạy đến can ngăn.

Công an xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh nhận được tin báo có vụ việc đánh nhau nên đến hiện trường lập biên bản và mời 2 bên về trụ sở Công an xã làm việc, đồng thời báo cáo vụ việc đến Công an huyện Cao Lãnh. Sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Cao Lãnh) tiến hành khám nghiệm hiện trường và ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật các đối tượng có liên quan.

Ngày 30/3/2017, Trung tâm giám định pháp y tỉnh (Sở Y tế Đồng Tháp) đã giám định và kết luận Nguyễn Thị Thu Hương bị đa chấn thương phần mềm vùng đầu, hông phải, vai trái, giữa lưng không để lại di chứng, không cho tỷ lệ phần trăm; sẹo vết thương phần mềm cằm phải lành ảnh hưởng đến thẩm mỹ; vết sây sát da cạnh hàm trái lành không cho tỷ lệ phần trăm; tổn thương do vật tày gây ra. Tỷ lệ thương tật 12%.


Bà Nguyễn Thị Thu Hương đến khám và được ghi “Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh (nay là Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh)

Sau khi có kết quả giám định, Nguyễn Thị Thu Hương yêu cầu Công an huyện Cao Lãnh xử lý hình sự đối với chị Oanh. Còn chị Oanh cho rằng vụ việc có khuất tất, vì Thu Hương chỉ nhập và xuất viện tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Cao Lãnh (nay là Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh) chỉ 1 giờ đồng hồ (nhập viện lúc 20 giờ, xuất viện lúc 21 giờ ngày 26/2/2017, đến khám bệnh), nên chị Oanh đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ về thương tích của bà Hương.

Tìm hiểu tại BVĐK huyện Cao Lãnh cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hương, đến khám bệnh vào ngày 26/2/2017 mà không nhập viện điều trị, trong “Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện năm 2017” ghi chẩn đoán bệnh nhân Hương bị “Đa chấn thương phần mềm khai bị đánh” và cho thuốc điều trị. BVĐK huyện Cao Lãnh có cấp giấy chứng nhận thương tích vào ngày 23/3/2017 (tức sau gần 1 tháng mà bệnh nhân Hương đến khám bệnh).

“Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện năm 2017” được xem là “lạ”, vì thông thường bệnh nhân bị tai nạn thương tích nói chung đến khám bệnh (không nhập viện) tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều được các y, bác sĩ ghi thông tin vào “sổ khám bệnh”, còn BVĐK huyện Cao Lãnh lại ghi thông tin vào “Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện năm 2017”. Tìm hiểu “sổ lạ” nói trên, theo Giám đốc BVĐK huyện Cao Lãnh Trần Văn Vinh, việc triển khai ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện từ ngày 16/2/2017 (tức trước 10 ngày em vợ ông Vinh đến khám bệnh nhưng không nằm viện) và được thông báo trên giao ban hàng ngày... Điều đáng nói là quyển “Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện năm 2017” triển khai từ ngày 16/2/2017 thì em vợ Giám đốc Trần Văn Vinh là bệnh nhân đầu tiên được ghi vào “sổ lạ”, hơn 2 tháng sau mới có các bệnh nhân khác đến khám và tiếp tục được ghi thương tích vào “sổ lạ” nói trên. Phải chăng quyển “Sổ ghi dấu vết thương tích bệnh nhân không nằm viện năm 2017” tại BVĐK huyện Cao Lãnh nhằm đối phó với cơ quan chức năng hay chỉ phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận thương tích cho em vợ Giám đốc bệnh viện, nhằm đẩy một giáo viên vào vòng lao lý ?!.

Quá trình xác minh vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Cao Lãnh cũng như Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Đồng Tháp) có nhận định những vết thương được mô tả trong “Sổ ghi dấu vết thương tích của bệnh nhân không nằm viện”, giấy chứng nhận thương tích, bản kết luận giám định pháp y về thương tích của bà Hương còn nhiều mâu thuẫn. Từ đó, Cơ quan CSĐT (Công an huyện Cao Lãnh) ra quyết định trưng cầu giám định lại tại Phân viện pháp y Quốc gia TP.HCM để xác định lại tỷ lệ thương tích của bà Hương, nhưng bà Hương kiên quyết không đồng ý đi giám định lại.

Việc bà Hương không đi giám định lại nên Công an huyện Cao Lãnh không có căn cứ xử lý hình sự đối với Nguyễn Huỳnh Oanh. Sau đó, Công an huyện Cao Lãnh ra quyết định không khởi tố vụ án nhưng có đủ căn cứ xử lý vi phạm hành chính đối với bà Oanh cùng một số đối tượng có liên quan trong vụ cố ý gây thương tích.

Từ vụ việc trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Y tế Đồng Tháp cần làm rõ những khuất tất trong qui trình cấp chứng nhận thương tích cho bà Hương của BVĐK huyện Cao Lãnh, vì tỷ lệ thương tật của bà Hương còn nhiều mâu thuẫn và tỷ lệ thương tật trên có thể dẫn đến bà Oanh bị ngồi tù oan.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn