Đàm phán tại Geneva làm hạ nhiệt tình hình Ukraine
Cập nhật ngày: 18/04/2014 07:36:59
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine khi quân đội nước này nổ súng vào người biểu tình.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov tại Hội nghị (Ảnh: Reuters)
Kết thúc Hội nghị bốn bên diễn ra vào đêm 17/4 (theo giờ Việt Nam), Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đạt thỏa thuận xác định các bước đi đầu tiên nhằm giảm “leo thang căng thẳng” ở Ukraine.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình miền Đông Ukraine gia tăng căng thẳng khi quân đội nổ súng vào người biểu tình làm 3 người chết và hơn 10 người bị thương.
Thỏa thuận vừa đạt được giữa Nga và phương Tây kêu gọi tất cả các bên cần tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích, tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, người biểu tình phải rời khỏi các tòa nhà chiếm đóng.
Lệnh ân xá sẽ bảo đảm cho tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà, các công trình công cộng khác và giao nộp vũ khí.
Các bên thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ chính quyền Ukraine và các cộng đồng địa phương thực thi các biện pháp giảm căng thẳng trong những ngày tới. Mỹ, EU và Nga sẽ ủng hộ phái bộ này, bao gồm cả việc cử các quan sát viên.
Bên cạnh đó, tiến trình cải cách Hiến pháp sẽ bao gồm việc nhanh chóng tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi và giải thích rõ ràng ở tất cả các vùng miền và khu vực bầu cử trên toàn Ukraine, đồng thời, cho phép xem xét các ý kiến và sửa đổi công khai.
Các bên tham gia hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định tình hình kinh tế và tài chính ở Ukraine, sẵn sàng thảo luận các biện pháp hỗ trợ bổ sung trong khuôn khổ thực thi các bước đi đã nêu.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Về nguyên tắc, quan điểm của chúng tôi là Ukraine cần xây dựng một xã hội mà ở đó mọi khu vực đều bình đẳng trước pháp luật. Chỉ có lực lượng an ninh, quân đội và cảnh sát được vũ trang và việc sử dụng vũ lực phải tuân theo luật pháp quốc tế, không chống lại người dân như lãnh đạo ở Kiev đã ra lệnh để gây sức ép với người biểu tình”.
Ngoại trưởng Nga khẳng định Nga không có kế hoạch đưa quân vào nước láng giềng, vì điều đó đi ngược lại lợi ích cơ bản của Liên bang Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh việc Nga và phương Tây đạt thỏa thuận nhằm làm giảm căng thẳng ở Ukraine, song vẫn tỏ ra hoài nghi về các nỗ lực này.
Tổng thống Mỹ cũng loại bỏ khả năng về một giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời kêu gọi Ukraine tổ chức đối thoại toàn dân tộc để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
VOV