Một số nguyên tắc cho người bị mất cảm giác

Cập nhật ngày: 11/01/2016 13:44:59

Bệnh phong là bệnh do vi khuẩn Mucobacterium Leprae (còn gọi là trực khuẩn Hansen) đột nhập vào cơ thể qua da và niêm mạc mũi, họng..., phát triển và gây bệnh.

Bệnh phong là 1 trong 7 bệnh xã hội được Nhà nước quan tâm chú ý. Bệnh có nhiều tên gọi như: cùi, hủi, Hansen. Bệnh gây tàn tật, cụt ngón tay, ngón chân, da mặt xấu xí, làm cho người bệnh cách biệt với xã hội và bị xã hội ruồng bỏ.

Trước đây, trên thế giới có khoảng 12 triệu người bị bệnh phong, còn ở Việt Nam khoảng 12 vạn người, chiếm từ 1,5 - 1,7% dân số. Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, nhiều phương tiện giúp chẩn đoán sớm cũng như nhiều thuốc mới ra đời đã làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh phong. Năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới công bố bệnh phong đã được thanh toán tại Việt Nam.

Cách phát hiện bệnh phong

Để phát hiện bệnh phong, cần hỏi xem trong gia đình có ai mất hoặc giảm cảm giác ở chân hoặc tay hay không, nếu có thì hãy kiểm tra.

Cách kiểm tra: dùng một mẩu rơm, giấy hoặc vải, lá cây, bút chì chạm vào một chỗ ở tay hoặc chân của người đó và bảo họ chỉ đúng chỗ. Nếu chỉ không đúng trong 3 lần thì người đó đã bị mất cảm giác.

Để chẩn đoán bệnh cần có ít nhất 1 trong 3 dấu hiệu: mất hoặc giảm cảm giác ở da; dây thần kinh dầy và to; tìm thấy trực khuẩn Hansen trong mảng da.

Chăm sóc người bị bệnh phong, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc điều trị thuốc cần phải phòng những thương tật như tàn phế do mất cảm giác theo các nguyên tắc sau:

4 không: không để tay, chân gần bếp lửa, nước sôi, nước nóng; không đi chân đất; không để da khô nứt nẻ; không coi thường tổn thương nhẹ.

5 nên: nên ngâm chân tay bằng nước xà phòng rửa sạch; nên xoa dầu thực vật 1-2 lần/ngày lên chỗ da khô; nên sử dụng các đồ vật có tay cầm được bọc lót cách nhiệt để đề phòng phỏng; nên mang giầy dép an toàn; nên tự chăm sóc bàn tay, bàn chân.

Hiện nay ở  Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới công nhận bệnh phong được thanh toán, có nghĩa là những trường hợp mới rất ít xuất hiện. Tuy nhiên, ngành da liễu và ngành phục hồi chức năng còn phải giải quyết những tình trạng tàn tật do hậu quả không biết cách chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng. Do đó để tránh những thương tật dẫn đến tàn phế cần phải tuân thủ đúng các nguyên tắc chăm sóc cho người bị bệnh.

Cẩm Lụa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn