Nâng cao ý thức phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Cập nhật ngày: 07/05/2024 11:18:11

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240507111904dt2-5.mp3

 

ĐTO - Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển, nhất là các bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM)... Ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo người dân chủ động bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ nhiễm bệnh.


Người dân khám, chữa bệnh tại Trạm y tế xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự

Ngay từ đầu năm 2024, ngành y tế trong tỉnh chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động với mục tiêu sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch. Cùng với đó, hỗ trợ các Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện trong việc khống chế ổ dịch và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Đồng thời chủ động thực hiện tốt công tác phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

 Ngoài ra, TTKSBT tỉnh, TTYT huyện, thành phố tổ chức phát động các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy; vệ sinh môi trường, loại bỏ vật dụng phế thải đọng nước nhằm hạn chế nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao như hiện nay. Bên cạnh đó, ngành y tế còn phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh...

Dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhưng ngành y tế nhận định, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến khó lường và có nguy cơ bùng phát cao do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài. Tại huyện Hồng Ngự, số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại TTYT huyện tăng cao, trong tháng 3, tháng 4/2024, TTYT huyện điều trị nội trú cho hơn 300 ca bệnh/tháng (tăng gần 50% số ca so với đầu năm).

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Lâm - Giám đốc TTYT huyện Hồng Ngự, cho biết: “Ngoài các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thời tiết khô nóng còn là điều kiện để các dịch bệnh: SXH, TCM, cúm A H5N1, sởi, rubella dễ phát sinh. Chủ động không để dịch bệnh bùng phát, TTYT huyện Hồng Ngự tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mới nổi, tái nổi và các hoạt động kiểm soát bệnh tật trên địa bàn huyện. Tăng cường giám sát chặt chẽ và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh lưu hành trên địa bàn, kịp thời xử lý triệt để, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; xây dựng phương án ứng phó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế... đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh”.

Theo TTKSBT tỉnh, qua công tác giám sát cho thấy, các dịch bệnh như: sởi, SXH, TCM, dại... có dấu hiệu diễn biến phức tạp trong vài tuần qua. Đáng chú ý là bệnh TCM, số ca mắc TCM đều duy trì tương đương mức trung bình 5 năm 2016 - 2020. Cộng dồn đến ngày 29/4/2024, toàn tỉnh ghi nhận 661 trường hợp mắc TCM (tăng 44,64% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023). Số ca mắc SXH cũng có dấu hiệu tăng trong vài tuần gần đây. Do vậy, ngành y tế và người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc TTKSBT tỉnh, cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, trong gia đình; hạn chế đến nơi đông người; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đối với các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế để được điều trị kịp thời và hạn chế nguy cơ lây lan thành dịch trong cộng đồng...”.

L.Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn