Câu chuyện công sở

Cập nhật ngày: 19/05/2019 19:49:01

Nhắc đến văn hoá công sở, nhiều người thường nghĩ ngay đến các quy định về trang phục, cách thức bài trí, giờ giấc làm việc, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức công sở. Đó là những biểu hiện hữu hình, dễ nhận thấy, có thể được cụ thể hoá bằng những nội quy, quy định.


"Nối kết các công sở văn hoá sẽ hình thành bộ máy công vụ văn hoá, nhân văn, biết lắng nghe, chia sẻ, phục vụ, kiến tạo" (ảnh minh họa). Ảnh: Hữu Nghĩa

Nhưng văn hoá công sở là tổng hợp văn hoá làm việc của mỗi thành viên. Văn hoá còn ẩn chứa trong những biểu hiện vô hình, nhưng có giá trị cốt lõi. Đó là: thái độ, trách nhiệm đối với công việc, môi trường làm việc, cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, các mối quan hệ, sự liên kết giữa các cộng sự, sự gắn bó tình cảm của các thành viên trong cơ quan, đơn vị mình đang công tác.

Văn hoá công sở còn biểu hiện thông qua sự tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa đồng nghiệp với nhau. Tạo dựng văn hoá công sở chính nhằm đáp ứng những kỳ vọng mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài đặt ra cho công sở. Đồng Tháp quê mình là "lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức".

Tạo dựng văn hoá công sở không thể đạt được trong ngày một, ngày hai, mà là quá trình bền bỉ, kiên trì, vun đắp, để mỗi thành viên ý thức đầy đủ và chủ động thực hiện, để những giá trị tích cực thấm dần, thấm sâu vào từng "ngõ ngách" của bộ máy. Người đứng đầu phải thẩm thấu trọn vẹn các giá trị và biết truyền cảm hứng đến mọi thành viên. Văn hoá công sở không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, bằng những nội quy, quy định. Văn hoá công sở phải được hội tụ và lan toả từ văn hoá lãnh đạo.

Có người cho rằng "tiền nào của nấy", "tiền lương thấp nên công chức, viên chức ít cười, chểnh mảng giờ giấc, kém tinh thần trách nhiệm". Nghĩ và nói như vậy đã là hợp lý chưa? Hay trong bộ máy công vụ, vẫn còn "sức ì", làm việc chỉ theo mệnh lệnh cấp trên, chứ chưa xuất phát từ sự tự nguyện, tự giác phục vụ? Vẫn còn quan niệm làm việc chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân, đến thành tích cá nhân, trông chờ vào sự ghi nhận, khen thưởng.

Nói cách khác, đó là làm vì động lực bên ngoài. Điều đó dễ dẫn đến những tư tưởng so đo thiệt hơn, thậm chí là dòm ngó, chỉ trích. Quan niệm "tiền nào của nấy" sẽ được lý giải như thế nào với nhiều công chức, viên chức, bất kể điều kiện khó khăn, vẫn niềm nở, thân thiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được sự quý mến, tín nhiệm của người dân. Để có những hình ảnh đáng trân trọng như vậy, từng cán bộ, công chức, viên chức đó đã tự mình tạo được động lực từ bên trong, đó là biết tự hào đối với công việc và cuộc sống.

Giá trị của bản thân từng người sẽ kết tinh vào công việc. Tác giả một cuốn sách gợi mở góc nhìn rất mới, đó là mỗi người cần biết "biến công việc thành niềm vui, tìm niềm vui trong công việc". Muốn làm việc tốt cần có hứng thú. Hứng thú được tạo nên từ sự kích hoạt, truyền cảm hứng của người đứng đầu, từ sự đồng lòng của các cộng sự, đồng nghiệp. Một khi thiếu niềm vui, công việc trở nên nặng nề, đơn điệu, không còn động lực để làm việc một cách sáng tạo, mới mẻ.

Người đứng đầu công sở cần xây dựng môi trường làm việc năng động, thân thiện, nhiều tiếng cười. Muốn vậy cần tạo sự tương tác giữa các thành viên với nhau. Văn hoá công sở có thể được tạo dựng từ những buổi họp mở - nơi các thành viên thoải mái đề xuất ý kiến, ý tưởng, giải pháp. Ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó cần đến nhiều người, ý tưởng người này "dẫn dắt" ý tưởng người khác, rồi đi đến giải pháp cùng nhau thực hiện. Làm việc với niềm vui, hồn người rất cần thấm đẫm vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một khi niềm vui thay thế những cảm xúc tiêu cực thì công sở càng năng động, thân thiện; doanh nghiệp, người dân đến công sở có thể "nở" thêm nụ cười hài lòng.

Nối kết các cán bộ, công chức, viên chức có văn hoá làm việc tốt sẽ hình thành tổ chức, cơ quan, đơn vị văn hoá. Nối kết các công sở văn hoá sẽ hình thành bộ máy công vụ văn hoá, nhân văn, biết lắng nghe, chia sẻ, phục vụ, kiến tạo. Văn hoá nơi công sở sẽ hoà vào nguồn vốn văn hoá của cộng đồng, của xã hội để tạo nên sức sống mới, giá trị mới trong quá trình phát triển của một địa phương, một quốc gia.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác