Câu chuyện za - lô (Zalo)

Cập nhật ngày: 07/03/2019 06:08:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/201903070529266-3 Cau chuyen Zalo-Xich Lo.mp3

Bây giờ, rất nhiều người đều biết Zalo là ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động và máy tính, được sử dụng rộng rãi tại các nước. Zalo đang được sử dụng nhiều ở giới trẻ. Nhưng khi “phát hiện” rằng, những người nông dân quê tôi biết sử dụng công cụ tiện lợi này thì thiệt là vui!


Ảnh minh họa

Số là, hôm đi dự buổi sinh hoạt Minh Tâm Hội quán, đầu giờ thấy bà con chia sẻ nhau cách thức sử dụng công cụ này. Nhìn những người lớn tuổi tay chân còn thô ráp vì quần quật quanh năm trong vườn tược mà hôm nay biết “bấm bấm, lướt lướt, quẹt quẹt”, rồi còn chụp hình gửi cho nhau mới thấy câu “điều gì người khác làm được thì nông dân quê tôi chắc chắn cũng sẽ làm được” là không sai!

Biết sử dụng rồi nhưng đâu phải ai cũng có chiếc điện thoại thông minh để mà đăng nhập đây. Vậy là, ai đó có sáng kiến liền - hùn vốn xoay vòng như đâu đó người ta hùn vốn cất nhà vậy. Mỗi lần họp sẽ có 2 thành viên được sắm cái điện thoại từ cách góp vốn thông minh như vậy. Cái khó đâu có bó cái khôn được! Mấy thành viên Hội quán chia sẻ với nhau thông tin bổ ích kèm theo hình ảnh, âm thanh trực quan. Nào là, thông tin mời họp. Nào là, thông tin kỹ thuật chăm sóc cây xoài, thông tin giá cả thị trường. Có anh còn za - lô bài nói chuyện về di chúc của Bác do một vị giáo sư trình bày. Còn gì vui bằng?!?

Vậy đó, công nghệ thông tin đã len lỏi vô nông thôn xứ mình, vào tận giấc ngủ của người nông dân. Làng xóm rồi sẽ không còn nhàm chán, người nông dân không còn quanh quẩn “từ cổng trở vào” nữa rồi! Công nghệ sẽ kết nối người này với người kia, nhà làng trên với nhà xóm dưới. Rồi chắc chắn người nông dân sẽ tự mình làm phong phú cuộc sống của mình, sẽ làm cho công việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Câu chuyện học tập suốt đời bắt đầu từ việc biết tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin. Bây giờ có thể không cần đến lớp, chỉ nằm “tòn ten” trên võng là có thể học được rồi nếu mỗi người chúng ta thật sự ham học, muốn học. Đâu có ai ở trên đời mà “vỗ ngực” cho rằng mình “biết tất cả, kiến thức đầy đủ”. Mỗi người biết một chút và chia sẻ ra thì nhiều người cùng biết và cùng nhau làm giàu kiến thức cho nhau. “Cái gì chia thì sẽ nhỏ lại, chỉ có kiến thức chia sẻ sẽ lớn dần ra” mà! “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”, “Có cày có thóc, có học có chữ” đó thôi!.

Có không ít người còn “dị ứng” với công nghệ thông tin, với các trang mạng. Đúng rồi, cái gì cũng có hai mặt như đồng xu vậy thôi! Có người, nhất là những người trẻ sử dụng các trang mạng để chia sẻ chuyện phiếm, chuyện tầm phào. Có người dùng trang mạng để nói xấu nhau, kích động xã hội. Nhưng có biết bao người sử dụng sức mạnh của công nghệ để làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn, kêu gọi xã hội chung tay cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Biết tận dụng công nghệ thông tin để kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, để rồi họ có mặt gần như lập tức bên cạnh người nông dân mỗi khi “bí” điều gì đó. Biết kết nối, doanh nghiệp sẽ đưa thông tin thị trường đến với bà con và cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Biết kết nối, cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn lập tức bên cạnh để hỗ trợ bà con khi cần thiết...

Mà nghe đâu cũng có nhiều Hội quán đã kết nối nhóm Za - lô, cũng có Hội quán lập cả Phây - bút (Facebook) riêng, lại còn có một nhóm nông dân xứ quýt sử dụng thư điện tử để quan hệ với đối tác nữa chứ! Dường như ý tưởng về những ngôi làng thông minh đã bắt đầu nhen nhóm từ những nông dân thông minh. Giờ thì cần đến chính quyền, ngành chuyên môn định hình những ngôi làng thông minh từ những “đốm sáng” nhỏ ban đầu. Trong lúc người ta đang đua nhau lập những đề án đô thị thông minh thì mình bắt tay làm ngôi làng thông minh. Mục đích cuối cùng của đô thị thông minh hay ngôi làng thông minh là làm cho chất lượng cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn chứ gì?!?

Nghĩ tới nghĩ lui, mới thấy ai đó ngồi “chắc lưỡi” cho thân phận người nông dân sao mà cực khổ, sao mà đơn điệu, sao mà không được bình đẳng với các doanh nghiệp... Nhưng chính những người nông dân quê tôi lại đang không bằng lòng với vị thế đó, không chấp nhận ai đó “thương cảm” cho mình mới thấy thật ấm lòng”: Bà con đang biết “tự cứu lấy mình trước khi trời hay ai đó cứu mình”! Anh Chủ nhiệm thay mặt bà con thành viên ca bài “Tinh thần Hội quán” với thông điệp: “Hãy chèo lấy thuyền anh... chớ ngồi không mà khoanh tay... chớ khóc than chớ chau đôi mày...”!

Đời thay đổi khi ta thay đổi! Thương quá, những người nông dân quê tôi! Trân trọng lắm, những người nông dân quê tôi!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác