Niềm vui từ những Hội quán

Cập nhật ngày: 17/01/2019 12:58:59

http://baodongthap.com.vn/database/video/2019011702324516-1 NIEM VUI TU NHUNG HOI QUAN.mp3

Khép lại năm 2018 - Mậu Tuất - đã có Hội quán thứ 64 được thành lập trên mảnh Đất Sen hồng thân yêu của tất cả chúng ta rồi. Nói nào ngay, đó là chưa tính đến nhiều Hội quán đã cơ bản chuẩn bị xong mà chưa kịp ra mắt. Vậy là vui, vậy là rộn ràng đường làng, ngõ xóm; vậy là người đến với người; vậy là có thêm nhiều cộng đồng dân cư đong đầy tinh thần tự lực, đoàn kết, hợp tác.


Ảnh: Minh Thi

 

Nhớ lại mới ngày nào, Hội quán đầu tiên ra đời với cái tên thật có ý nghĩa: "Canh Tân". Cái tên đó do chính bà con An Hoà, An Nhơn mình đặt sau bao nhiêu ngày đêm trăn trở lựa chọn. Vậy là, bà con muốn gửi gắm vào cái tên đó sẽ tạo ra sự mới mẻ trong cuộc sống vốn có phần trầm lặng từ trước giờ.

Vui thì có vui, mừng thì có mừng, nhưng cũng không ít người còn hoài nghi, e dè. Mà cũng phải thôi, cái gì mới ra đời, cái gì chưa có sẵn khuôn mẫu, thì sẽ có những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều cũng là lẽ thường. Nhưng rồi đến cái thứ mười, thứ hai mươi, ba mươi, và đến nay, thì đã có Hội quán thứ sáu mươi bốn rồi! Các Hội quán đã vinh dự đón tiếp và nhận được những lời đánh giá cao từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia. Vậy là, sáng kiến của người Đồng Tháp mình đã "chính danh" rồi còn gì!

Không gian Hội quán không rầm rầm rộ rộ, mà đã len lỏi vào đến các cộng đồng dân cư. Hầu hết không gian Hội quán không có trụ sở bề thế, mà chỉ đơn giản là cái hiên nhà được cơi nới thêm, là mái che dựng lên, là trong các đình làng, miếu mạo. Không gian Hội quán không có "chiếu trên, chiếu dưới", chỉ là những chiếc bàn để mọi người quần tụ bên nhau, bình đẳng với nhau. Không gian Hội quán đa dạng thành phần, từ nông dân, doanh nhân, cho đến cấp uỷ, chính quyền và ngành chuyên môn. Không gian Hội quán với nhiều chức năng, từ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới, chia sẻ kiến thức sản xuất, chuyện hợp tác làm ăn kinh tế, chuyện tham gia giữ gìn trật tự trị an, tạo ra môi trường an ninh, an toàn, góp phần an sinh xã hội. Nghĩa là, trong không gian Hội quán chức năng xã hội, chức năng kinh tế và chức năng chính trị lồng vào nhau, hoà quyện vào nhau một cách rất tự nhiên.

Những người lãnh đạo, điều hành Hội quán thì đủ thành phần. Nông dân nòi có, cán bộ về hưu có, mà cán bộ còn đương chức cũng có, rồi thầy cô giáo, rồi doanh nghiệp "đầu vào, đầu ra", rồi nhà vựa nông sản. Chỉ cần có tâm chăm lo cho cộng đồng, biết dấn thân vì chuyện chung của bà con mình. Và, tất cả đều là "cơm nhà, áo vợ", trên tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, mà cũng vì chính mình. Nhiều người còn phải tốn tiền xăng xe, trà nước, "sửa cửa, xây nhà", “mua bàn sắm ghế” để bà con đến sinh hoạt. Nhưng mà không có so đo tính toán thiệt hơn, làm vì vui, làm vì thấy ý nghĩa của công việc mình làm. Thời gian, giờ giấc sinh hoạt thì bà con tự chọn tự quyết sao cho thuận tiện nhất. Chủ đề sinh hoạt thì từ những điều thật thiết thực do bà con tự nghĩ ra hoặc do cấp uỷ, chính quyền gợi ý. Tất cả đều xuất phát từ chữ "tự": "Tự nguyện, tự lực, tự quản"!

Vậy, Hội quán là một không gian linh hoạt, cởi mở, không bị áp đặt từ bên trên. Trong không gian Hội quán, người người tôn trọng nhau, nhà nhà quý mến nhau, cấp uỷ đảng, chính quyền gần dân và dân bên cạnh cấp uỷ, chính quyền. Tất cả đến với nhau, cùng nhau kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho xóm mình, làng mình, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để thích nghi với xu thế mới, điều kiện mới. Tất cả đều hướng tới làm sao cho cuộc sống trong làng, trong phố ngày một tốt đẹp hơn, nông nghiệp bền vững hơn, để rồi, chính bà con và con cháu của mình sẽ là những người được thụ hưởng từ thành quả do chính mình gầy dựng.

Nói nào ngay, đâu có việc gì là suông sẻ cả đâu, "vạn sự khởi đầu nan". Hội quán thành lập đầu tiên cũng chưa đến ba tuổi mà! Thành viên Hội quán thì thấy vui khi có một không gian quần tụ bên nhau nhưng không ít người còn lạ lẫm, ngần ngại, thụ động. Ban chủ nhiệm Hội quán nói chung còn mới mẻ, lúng túng trong vai trò dẫn dắt và thiết lập kế hoạch phát triển dài hạn. Mà có sao đâu, còn mới mà, miễn là có "tâm" trước đi đã, rồi "tầm" sẽ dần có thôi mà! Đôi lúc, cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, ngành chuyên môn còn thờ ơ. Tất cả là do chưa hiểu hết giá trị cốt lõi và lâu bền của mô hình Hội quán - một thiết chế để tạo dựng và phát triển năng lực cộng đồng làm nền tảng cho sự thay đổi - và từ sự thay đổi đó, sẽ chuyển hoá thành sức mạnh, thành nguồn lực, thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Hội quán là một thiết chế cộng đồng ở cơ sở, do đó chính cán bộ ở cơ sở nếu biết thẩm thấu hết các giá trị của Hội quán, trong đó vai trò tự quản chính là chia sẻ công việc trong quản trị xã hội cho cấp uỷ, chính quyền thì sẽ chăm lo, đồng hành với Hội quán. Đó là điều kiện để Hội quán ngày càng đông về số lượng và mạnh về chất lượng.

Cuộc sống bao giờ cũng có tính hai mặt. Đừng chỉ nhìn vào cái chưa được để phán xét, để mà suy diễn. Hãy nhìn những buổi sinh hoạt Hội quán để cảm nhận được điều mới mẻ trong cộng đồng dân cư và trong từng người nông dân!

 Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn