Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Cập nhật ngày: 17/06/2020 13:16:52
ĐTO - Quán triệt các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015-2020, ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Người lao động đến tham dự Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã triển khai các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm như Kết luận số 31-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành Chương trình việc làm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 82/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020...
Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trực tiếp ban hành hoặc trình HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, kết luận nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực: lao động, việc làm; dạy nghề... Sở LĐ-TB&XH đã chủ động hoặc phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện luôn theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời, nhằm bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, thời gian và kết quả thực hiện. Với sự quan tâm của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, tổ chức các hoạt động kết nối học nghề, việc làm cho người lao động; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cải tạo hệ thống trường trung cấp hiện có, kết nối với các doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh đào tạo, tuyển dụng lao động. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tham dự, nói chuyện tại các phiên giao dịch việc làm, gặp gỡ người lao động, học sinh, học viên; hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 đến nay, thông qua các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, toàn tỉnh có 154.473 người được giải quyết việc làm. Trong đó có 7.514 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có khoảng 170. 000 người được giải quyết việc làm, đạt 114% kế hoạch; trong đó khoảng 7.790 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong công tác đào tạo nghề, sau khi thực hiện công tác phân luồng, Sở LĐ-TB&XH đã khẩn trương quán triệt, triển khai đầy đủ trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo đúng quy định để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề. Từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế đáp ứng nhu cầu học tập của người dân địa phương và doanh nghiệp.
Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có 28 cơ sở với quy mô đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm. Các cơ sở dạy nghề đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhằm đáp ứng đào tạo nghề cả ở ba cấp trình độ, đến nay có 7/28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Từ năm 2016-2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề cho 85.218/84.500 học viên, đạt 100,8% kế hoạch. Ước thực hiện năm 2020 tuyển sinh đào tạo thêm khoảng 21.500 học viên. Trong đó trình độ cao đẳng 1.790 học viên, trung cấp 1.695 học viên, sơ cấp và dưới 3 tháng 18.015 học viên. Kết quả tuyển sinh đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 58,2% năm 2016 lên 70% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 42% lên 50%. Giai đoạn năm 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH đề ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm 30.000 người, trong đó xuất khẩu lao động tiếp tục duy trì 1.000 người/năm. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, mục tiêu đào tạo đáp ứng với yêu cầu của xã hội, của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2025, đào tạo nghề hàng năm khoảng 21.500 người, khoảng 85% có việc làm và nâng cao thu nhập sau đào tạo; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,6%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 57,2%.
P.L