ĐBSCL: Lũ đầu nguồn vượt báo động 1

Cập nhật ngày: 11/08/2014 10:08:05

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Sáng 10-8, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 3,65m, vượt 0,15m so với báo động 1. Trên sông Hậu, tại Châu Đốc mực nước đo được là 2,8m, kém báo động 1 là 0,2m.

Dự báo trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó biến đổi chậm. Đến ngày 14-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,9m (dưới 0,1m so với báo động 2); tại Châu Đốc ở mức 3,1m, vượt 0,1m so với báo động 1.

Hiện các địa phương đầu nguồn lũ ở An Giang, Đồng Tháp đang tập trung gia cố hệ thống đê bao chống lũ, đặc biệt là những khu vực xung yếu, thấp, sạt lở để bảo vệ sản xuất vụ thu đông; thực hiện các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, thành lập các đội cứu hộ cứu nạn... để hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân...

Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh An Giang và Đồng Tháp yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời dự báo, chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ; bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân...

Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 36 trẻ em bị đuối nước, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, trên 75% trẻ em tử vong dưới 6 tuổi. Huyện Cao Lãnh có số trẻ em bị đuối nước cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh với 8 trường hợp.

Theo Phòng LĐTB-XH huyện Cao Lãnh, trong số 8 trẻ bị đuối nước, trẻ lớn nhất chỉ mới 4 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 2 tuổi. Các trẻ này nằm dưới nhóm trẻ dạy bơi, là nhóm đối tượng được sự quản lý trực tiếp của gia đình. Trong 8 trường hợp trẻ đuối nước, có 4 trường hợp trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà. Theo ngành chức năng tỉnh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến trẻ bị đuối nước là từ phía gia đình. Chính người giữ trẻ còn chủ quan, lơ là trong việc quản lý con em; người trông giữ trẻ không lường hết các nguy hiểm khi trẻ chơi đùa gần các môi trường có nguy cơ tai nạn như sông, ao, kênh rạch. Cũng có trường hợp gia đình chưa thật sự quan tâm trong việc phòng ngừa trẻ em bị đuối nước.

° Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, do hoạt động của đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 10-8, tại các khu vực ở ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ đã xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ phổ biến ở khoảng 35°C - 36°C, có nơi trên 36oC như: Tam Kỳ (Quảng Nam), Hoài Nhơn (Bình Định)… Tại TPHCM, nhiệt độ cũng đang tăng cao lên mức 33°C - 34°C do tác động của nắng nóng. Riêng các tỉnh Nam Trung bộ trở ra miền Bắc, ngày 11-8 vẫn tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35°C - 37°C, có nơi trên 37°C.

SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn