“Khát vọng Thống nhất” - sử thi bằng âm nhạc

Cập nhật ngày: 30/04/2019 06:40:45

Chương trình nghệ thuật sử thi “Khát vọng Thống nhất” do Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân Dân phối hợp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vừa diễn ra tại Di tích lịch sử cầu Hiền Lương tối 29/4.

Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt nhằm hướng tới kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự kiện Vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền nam - bắc, 44 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2019), 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị ( 1/5/1972- 1/5/2019) và 30 năm tỉnh Quảng Trị tái lập (1/7/1989 -1/7/2019).

Đến dự chương trình có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cùng nhiều đại biểu, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của TƯ và địa phương.


Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu phát biểu tại chương trình. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Cách đây 65 năm, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã lấy con sông Bến Hải trên Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời… Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, Quảng Trị là chiến trường vô cùng ác liệt. Người Quảng Trị, dù bờ bắc hay bờ nam sông Bến Hải, đã phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, nhưng không hề nao núng, một lòng một dạ, son sắt, thủy chung.

47 năm sau Ngày giải phóng, những người con của mảnh đất Quảng Trị đã phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động để chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no. Từ một tỉnh khó nghèo do hậu quả nặng nề của chiến tranh với “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ”, Quảng Trị đã thay da đổi thịt, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực với những thành tựu phát triển đáng ghi nhận trên tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng”.

Đồng chí Tổng Biên tập Thuận Hữu nhấn mạnh: “Trong niềm vui của Ngày hội Thống nhất non sông, kỷ niệm ngày đại thắng, chúng ta có mặt tại đây, để ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc… Cũng là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh - các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh, các thương bệnh binh, các mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tất cả những hy sinh lớn lao và thầm lặng, không thể nào kể xiết, chúng ta mãi mãi tự hào, ghi nhớ, và bằng mọi cách để đền đáp. Với tất cả ý nghĩa và tâm nguyện thiết tha đó, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, tổ chức Chương trình nghệ thuật “Khát vọng Thống nhất”. Chương trình đêm nay nhằm góp phần tôn vinh những giá trị bất hủ đó, và cũng là một nén tâm nhang xin thành kính tri ân những người đã ngã xuống, trên mảnh đất này vì khát vọng thống nhất non sông”.

Với ý nghĩa tri ân, trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tặng 500 triệu đồng cho các gia đình chính sách tỉnh Quảng Trị, và TTXVN tặng 1,8 tỷ đồng xây dựng ba phòng học cho trường mầm non Triệu Tài, thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Chương trình gồm những tác phẩm ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, nói lên khát vọng thống nhất đất nước, đưa non sông về liền một dải, như “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Bài ca thống nhất” của Xuân Vũ”, “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Câu hò bên bến Hiền Lương” (Hoàng Hiệp), “Ru mẹ” (Đức Dũng”, “Dậy mà đi” (thơ Tố Hữu, nhạc Nguyễn Xuân Tân), “Nối vòng tay lớn” (Trịnh Công Sơn), “Lá đỏ” (Nguyễn Đình Thi), “Rạng ngời Việt Nam” (Quang Vinh)… được xây dựng dưới các hoạt cảnh.

Hàng chục nghệ sĩ, diễn viên thuộc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Đoàn ca múa nhạc tỉnh Quảng Trị đã tham gia chương trình, cùng các nghệ sĩ tên tuổi như Quốc Hưng, Phương Thảo, Đức Tuấn…

“Khát vọng Thống nhất” đã tái hiện được phần nào ký ức về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trên nền các tiết mục ca khúc, nhạc nền, hoạt cảnh, múa… là câu chuyện về khung cảnh thanh bình của làng quê với hình ảnh những lũy tre làng, sông nước yên bình, êm đềm bên những câu hò mái nhì, mái đẩy được cất lên giữa trời nước bao la của sông Bến Hải.

Một ngày, chiến tranh nổ ra, trong tiếng đạn bom giày xéo trên mảnh đất quê hương, hàng nghìn người con lên đường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong nỗi chờ đợi khắc khoải của gia đình, xóm làng thân yêu. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Vĩnh Linh trong bom đạn khốc liệt, chết chóc được tái hiện. Con người bản lĩnh, kiên trung và đầy ý chí của vùng đất Quảng Trị được thể hiện qua các tiết mục.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách.

Để đổi lấy hòa bình, thống nhất đất nước ngày hôm nay, máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ, quân và dân đã đổ xuống. Sau 44 năm thống nhất đất nước, 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, mảnh đất bom rơi đạn nổ khi xưa nay đã hồi sinh, hòa cùng sự vươn lên phát triển mạnh mẽ của cả nước.

Các tiết mục trong chương trình đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đối với người xem, để cùng nhớ về một thời kỳ lịch sử đầy đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

TUYẾT LOAN (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn