Chương trình giáo dục đời sống gia đình ngày càng đi vào chiều sâu
Cập nhật ngày: 05/03/2019 10:40:47
ĐTO - Thực hiện từ năm 2016, chương trình giáo dục đời sống gia đình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, từ đó làm tăng tỷ lệ gia đình văn hóa (năm 2016 đạt 89,95% đến năm 2018 đạt 92,47%), vượt so với kế hoạch đề ra đến năm 2020 đạt 90%.
Bữa cơm gia đình giúp gắn kết tình yêu thương và xây dựng gia đình hạnh phúc
Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức người dân xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn những nét truyền thống của gia đình Việt Nam. Thực hiện chương trình, hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa tỉnh phối hợp các hội đoàn thể tổ chức hơn 800 cuộc tuyên truyền nhân các ngày lễ, kỷ niệm như: Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Quốc tế phụ nữ 8/3,... vận động nhân dân xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức các hội thi về gia đình như: hội thi gia đình tiêu biểu cấp tỉnh, cấp cơ sở, các hội thi gói bánh tét, nấu ăn cho phụ nữ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lồng ghép chương trình này với các phong trào: “5 không 3 sạch”, phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”..., để các chị hăng hái thi đua thực hiện; vận động hội viên phụ nữ duy trì thực hiện bữa cơm gia đình hằng ngày để gắn kết tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức phụ nữ đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho con em; giảm dần các vụ trẻ em vướng vào tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự cho địa phương.
Hiện nay, ở các địa phương trong tỉnh, việc tuyên truyền được duy trì thực hiện hàng tháng bằng cách lồng ghép với các buổi sinh hoạt của 557 câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững trong toàn tỉnh. Đến buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm các CLB có nhiệm vụ tuyên truyền đến các cặp vợ chồng kiến thức về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng ứng xử trong gia đình, cách giáo dục ý thức con trẻ, phòng, chống con em, người thân không tham gia các tệ nạn xã hội,...
CLB đã chú trọng đổi mới hình thức sinh hoạt, kết hợp vừa tuyên truyền vừa giao lưu những bài hát về gia đình, trò vui nhỏ để không khí sinh động hơn và thu hút người dân tham gia. Tại các cuổi sinh hoạt, nhiều người đã trải lòng chia sẻ những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình... Từ đó, Ban chủ nhiệm CLB tìm cách giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, vận động để gia đình có những suy nghĩ tích cực hơn, phấn đấu vươn lên. Cũng nhờ các buổi sinh hoạt, nhiều chị ở nông thôn đã vượt qua rào cản nhút nhát, mặc cảm, tự ti, trang bị thêm cho mình những kiến thức bên ngoài xã hội để tự tin, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng số phụ nữ được tiếp cận thông tin tiến bộ là 95,97%, góp phần kéo giảm số vụ bạo lực gia đình xảy ra (năm 2018 là 136 vụ, giảm 60 vụ so với 2017).
Bên cạnh những hiệu quả có được, Chương trình giáo dục đời sống gia đình còn những hạn chế như: một số địa phương cán bộ phụ trách kiêm nhiệm nhiều hoạt động nên việc tuyên truyền còn khó khăn; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục đời sống gia đình còn hạn chế; một vài hộ gia đình kinh tế còn khó khăn, chú trọng vào việc mưu sinh kiếm sống, thiếu quan tâm đến việc giáo dục đời sống gia đình. Năm 2019, Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác gia đình; duy trì các hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, các chương trình đối thoại cùng nhân dân về công tác gia đình; khuyến khích, vận động, biểu dương khen thưởng các gia đình tích cực tham gia, hưởng ứng xây dựng gia đình, nếp sống văn hóa lành mạnh, tôn vinh, đề cao những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam...
MỸ XUYÊN