Còn thở là còn vẽ để trả ơn cuộc đời này
Cập nhật ngày: 08/03/2023 08:53:00
ĐTO - Nói về chuyện vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng à? Tôi ấp ủ việc làm này từ năm 1995 khi còn là giảng viên ở Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhưng mãi đến năm 2007 khi về hưu thì mới bắt tay vào thực hiện. Nào ngờ, người tính không bằng trời tính. Mọi thứ đã sẵn sàng thì ông nhà tôi (tức Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc) đột ngột qua đời. Vậy là tôi phải dừng lại những dự tính của mình. Để tang chồng đúng 3 năm, ngày 19/2/2010, tôi bắt đầu rời khỏi nhà với hành trang là những chiếc cọ vẽ và những hộp màu. Đồng hành cùng tôi là chiếc xe Charly.
Họa sĩ Đặng Ái Việt (bên trái) và bà Lê Thị Huệ
- Ủa, giờ nó đâu rồi hả cô?
20 năm trời đi dọc theo đường số 1 ra Bắc rồi thẳng lên Thái Nguyên, Tuyên Quang, vòng qua Quảng Ninh về Hà Nội rồi trở vào TP Hồ Chí Minh thì hỏi làm sao còn xài được. Ba mươi chín ngàn cây số chớ ít ỏi gì. Mà chuyện đó qua lâu rồi. Tôi tặng nó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng với hàng ngàn bức vẽ của mình vô điều kiện. Năm 2012, tôi đổi lấy chiếc Cup 50cc đời 78 là phương tiện đi lại cho tới nay. Tính ra cũng gần bảy chục ngàn cây số nữa rồi đó. Mười ba năm, mà mười hai chớ, vì “ở không” hết một năm do dịch Covid-19 cầm chân, tính cho tới tháng 3/2023, tôi đã vẽ hơn 2.700 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng trên mọi miền Tổ quốc. Chừng đó thời gian, chừng đó công sức nhưng họa sĩ Đặng Ái Việt này chưa hề nhận của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân đồng bạc nào. Tôi hứa với lòng mình, tôi mà xòe tay nhận tiền của bất cứ một ai thì các vong hồn liệt sĩ sẽ bẻ gãy chân tôi để khỏi đi vẽ nữa. Ai tin hay không tin thì tùy. Còn tôi, tôi luôn tin vào những điều linh thiêng đó.
Họa sĩ Đặng Ái Việt tham gia du kích ở quê hương mình từ năm 15 tuổi. Mười tám tuổi bà từng nhận được danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt cơ giới. Vậy mà, sau đó thì bà lại trở thành ca sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng với giọng ca “bốc lửa” từng hát chung với ca sĩ Tô Lan Phương phục vụ chiến trường. Cứ ngỡ mọi chuyện dừng lại ở đó thì cô ca sĩ đang được nhiều người ái mộ lại quay sang tham gia lớp đào tạo hội họa tại chiến khu R (tức Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh). Từ năm 1964 đến ngày miền Nam giải phóng, cái tên Đặng Ái Việt với hàng trăm bức ký họa từ chiến trường ra đời. Nói như bà thì có những bức ảnh đẫm máu và nước mắt của đồng đội.
Mà thôi, chuyện cuộc đời tôi thì cả chục năm nay báo chí, truyền hình năm nào cũng nói. Giờ chẳng lẽ nhai đi nhai lại hoài. Tôi về Đồng Tháp lần đầu từ ngày 31/3/2011 - 24/4/2011, vẽ được cả thảy 16 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi nhớ, lúc đó khi vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng ở Lấp Vò có 4 con hy sinh cho cách mạng, tôi xúc động vô cùng. Khi về, nhìn tới nhìn lui thấy chưa đạt, tôi lập tức quay lại liền. Mẹ sinh năm 1914, không trở lại liền thì sẽ không kịp. May mà được vong linh các anh phù hộ, tôi cũng hoàn thành trách nhiệm của mình với Mẹ. Lần này thì theo danh sách còn 47 Mẹ nữa. Lần này, chắc phải bám ở đây hàng tháng trời nữa mới xong. Mình chạy đua với thời gian, với tuổi tác của các Mẹ và của mình nữa. Tôi đã 75 tuổi rồi. Thấy sân sẩn vậy chớ biết đâu... Đời người sống nay chết mai mà. Nhưng trái tim tôi còn đập là tôi còn tiếp tục vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng cho đến khi nào không còn thở mới thôi.
- Hai lần ghé qua Đồng Tháp, cô có kỷ niệm nào với mảnh Đất Sen hồng này?
Kỷ niệm với Đồng Tháp hả? Có hai chuyện này thì tới giờ tôi chưa kể ai nghe. Thứ nhất, năm 1972, khi chiến trường ác liệt, tôi theo lực lượng An ninh T4 về Hồng Ngự. Vừa công tác vừa chăm sóc đứa con trai mới 17 tháng tuổi. Cháu ngã bệnh trong tình thế hết sức khó khăn vì bọn địch đánh phá rát quá, thiếu thuốc men nên đành phải nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Hồng Ngự. Một phần máu thịt của tôi đã gởi lại đây nên mỗi lần về hay đi ngang qua Đồng Tháp tôi đều nhớ lại câu chuyện khó quên này. Còn kỷ niệm thứ hai là tại Đồng Tháp, tôi có một người chị, một lãnh đạo, một đồng chí hết mực yêu thương tôi là chị Lê Thị Huệ (tức Năm Vạn). Đợt năm 2011, tôi về ở nhà chị khá lâu. Vậy mà, cứ lo vẽ chân dung các Mẹ mà quên vẽ tặng chị Năm tấm nào. Hôm nghe tin chị mất, tôi đang ở Hải Dương không về được, lòng cứ bùi ngùi mãi.
Chia tay họa sĩ Đặng Ái Việt, tôi cứ mãi ám ảnh câu nói của bà: Tôi vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng theo mệnh lệnh của chính trái tim tôi. Vì các Mẹ chính là một phần của Tổ quốc hôm nay và mãi mãi về sau.
H.N