Đặc sắc 4 tập truyện ngắn đầu tay
Cập nhật ngày: 21/03/2021 06:30:16
Đó là Đất quê của Hồ Văn; Ngồi lại với trăm năm của Nguyễn Lệ Ba; Miền đất lở của Thanh Bình; Gió thổi sau hè của Kim Thắm. Cả 4 tác giả đều là hội viên trẻ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp. Và cả 4 tập truyện ngắn nói trên đều là tác phẩm trình làng đầu tay của họ.
Điều trùng hợp khá lý thú là cả 4 tập truyện ngắn này đều được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - một nhà xuất bản có uy tín hàng đầu Việt Nam khi thẩm định và chọn in ấn các tác phẩm văn chương.
Với tư cách là một trong những người tham gia tổ chức bản thảo cho cả 4 cuốn sách và cũng là người có điều kiện theo dõi phong trào sáng tác văn chương của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp mấy chục năm qua, tôi mạnh dạn nói rằng: đặt trong dòng chảy của văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng của xứ sở Đất Sen hồng từ trước đến nay, đây là 4 tập truyện ngắn riêng của từng tác giả có chất lượng vào hàng đặc sắc(*).
Đó là cả Hồ Văn, Nguyễn Lệ Ba, Thanh Bình, Kim Thắm đều tìm và chọn cách tiếp cận mới mẻ, thể hiện sự tìm tòi trên mảng đề tài nông thôn, nông nghiệp và thân phận những người quê, vốn là mảnh đất quen thuộc của văn xuôi và truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay. Những truyện ngắn của Hồ Văn, Nguyễn Lệ Ba, Thanh Bình, Kim Thắm cho thấy sự gần gũi, xuyên thấm, hài hòa và lắng đọng trong chiều sâu văn hóa truyền thống và ngọn nguồn tâm linh khi đi vào khai thác đề tài tam nông nơi vùng đất phương Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Điều này đòi hỏi các tác giả phải biết tích lũy vốn sống một cách phong phú, đậm đặc, đồng thời phải biết tiết chế cách bộc lộ, thể hiện, sao cho luôn luôn đảm bảo tuyệt đối tính chân thực, đồng thời tỏ rõ phẩm chất điển hình, tiêu biểu.
Đọc Đất quê của Hồ Văn, người đọc không thể không cảm thấy ngợp trước ngồn ngộn vốn sống mà tác giả tích lũy, chắt lọc và đưa vào các truyện ngắn. Cái vốn sống nơi đất quê với nhiều mảng đời, nhiều số phận, nhiều chiều kích... nhất là bóng dáng, hình ảnh của người nông dân gắn chặt với xóm ấp, ruộng vườn, tình người... trong khí quyển tâm linh man mác. Tôi cho rằng, Hồ Văn đã ít nhiều chạm được điều này, tuy không đều trong các truyện ngắn của mình, nhưng hầu hết cái nào cũng có. Một trong những truyện ngắn thể hiện rõ điều này chính là truyện ngắn chọn làm tên chung cho cả tập - Đất quê. Khí quyển tâm linh ấy toát lên một cách khá đậm đặc trong cả câu chuyện, nhất là ở chi tiết bà mẹ vợ của nhân vật tôi, mặc dù rất muốn khi qua đời, được chôn nơi đất quê là An Hiệp, nhưng lại vô cùng tỉnh táo, biết mình đang được đưa từ bệnh viện về vùng kinh tế mới Tân Phú và nói leo lẻo, nghe lạnh cả xương sống: Tụi bây đừng có xạo. Muốn thử tao à? Về cồn An Hiệp còn miếng đất nào để chôn tao. Đất lở hết rồi. Đất lở hết rồi. Đất lở hết r... ồ... i...
Đọc Ngồi lại với trăm năm của Nguyễn Lệ Ba, một mặt, bị chìm vào trong khí quyển hoài cổ thiêng liêng, mặt khác, lúc nào cũng nôn nao với thân phận của những người yếm thế trong xã hội. Nguyễn Lệ Ba rất già dặn trong cách nhìn, cách viết, cách phản ánh và tái hiện cuộc sống. Anh để lại dấu ấn khi viết về những tình cảm và phận người nhỏ bé, đang ngụp lặn giữa dòng đời cuồn cuộn. Những câu chuyện vốn hư cấu, nhưng là sự chắt lọc từ hiện thực đã làm nên chất sống trong truyện ngắn của anh. Tác giả luôn viết với trạng thái và tình cảm của một người trong cuộc. Anh viết truyện ngắn như một cách để chia sẻ, cảm thông và kết nối với những người đã và đang sống quanh mình, gắn bó với mình. Anh viết để chứng tỏ mình là người hiểu họ nhất. Chính sự kết nối chân thực ấy đã làm nên phẩm chất rất đời và rất người của truyện ngắn Nguyễn Lệ Ba. Truyện ngắn lấy làm tên chung cho cả tập - Ngồi lại với trăm năm - chắc chắn sẽ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho hai chủ đề chính nêu trên trong tập truyện ngắn này. Đọc truyện ngắn, độc giả không thể không bị ám ảnh bởi hình ảnh đứa cháu đích tôn tật nguyền, cứ đến 23 tháng Chạp, theo lời mẹ, đến ngồi bên bốn ngôi mộ dòng họ để suy ngẫm, để chiêm nghiệm về sự phù du của một kiếp người, để thấm thía hơn cái lẽ có không, sinh diệt...
Hai mươi mốt truyện ngắn trong Miền đất lở của Thanh Bình hầu hết nhằm đặc tả thân phận người quê, nhất là người quê nghèo, ở đó, sự khốn khó, túng bấn, bí bách, bất an của họ được viết ra với tần suất dày đặc. Ám ảnh người đọc đến độ nhức nhối là hình ảnh lặp đi lặp lại trong nhiều truyện ngắn về một gia đình nông dân nghèo nơi miền đất lở, gồm bà mẹ già và mấy đứa con. Đó như là một biểu tượng điển hình của sự chuyển động quằn quại giữa dòng chảy của nghèo túng, nhàm chán, khổ nhục nơi miền quê chỉ biết bám vào mấy công ruộng rẫy, phập phù bởi thiên tai và nạn đất lở rình rập. Có điều, trong cái gam màu buồn tối là chủ yếu ấy, truyện ngắn của Thanh Bình rất ít khi gieo rắc không khí thảm hại, bi lụy, tan vữa mà ngược lại, tác giả bao giờ cũng làm ánh lên đâu đó trong tác phẩm, nhất là ở phần kết, những quầng sáng hy vọng, dù đôi khi rất mỏng manh, yếu ớt. Cái kết trong Miền đất lở - truyện ngắn lấy làm tên chung cho cả tập - là vậy, sáng long lanh: Nhìn lên, bà bắt gặp ánh mắt trong veo của các cháu, long lanh trong ánh hoàng hôn.
Mười lăm truyện ngắn trong Gió thổi sau hè của Kim Thắm cũng là những tác phẩm viết về người quê, nhưng hầu hết là những người quê đã thoát ly một phần hoặc thoát ly hẳn khỏi nông thôn, ruộng vườn (sinh viên, giáo viên, kỹ sư...) và được tác giả viết bằng một chất giọng chân thực, đằm thắm đầy hấp dẫn. Trong hầu hết các truyện ngắn ở đây, miền quê Nam bộ hiện lên một cách hiền hòa, mộc mạc, chân chất đến độ tinh sạch, thanh khiết. Cái miền quê đằm thắm trong Gió thổi sau hè không chỉ hiện lên nơi bốn mùa thiên nhiên Xuân - Hạ - Thu - Đông mà hơn thế, thấm đẫm, miên man trong những mùa đặc trưng - mùa cây trái, mùa sản vật... Cái đằm thắm của miền quê trong tập truyện ngắn của Kim Thắm là một làn gió thổi sau hè hay một khoảng trời xanh, một thoáng hương húng lủi hay một miền huyền hoặc mùi hương cải xanh... Người đọc đặc biệt ấn tượng bởi nhiều truyện ngắn trong tập, con đường đá đỏ được nâng cấp thành con đường lát đan liên xã, lặp đi lặp lại, tạo nên một hình ảnh khó quên - như một ẩn dụ - về một miền quê nghèo khó đang từng ngày vươn mình phát triển, dẫu có lâu lắc chút đỉnh nhưng tràn đầy khấp khởi, tin yêu.
Có thể nói, đã lâu lắm, ở Đồng Tháp mới xuất hiện liên tục trong 4 năm 4 tập truyện ngắn đầu tay nhưng đầy đặn và hay. Một tín hiệu khởi sắc và đầy hy vọng của văn chương nơi đây. Thành công này chắc chắn sẽ được nối dài trong chặng đường sáng tạo của các cây bút Đất Sen hồng sắp tới.
THAI SẮC
(*) Ba tập truyện ngắn của Hồ Văn, Nguyễn Lệ Ba, Thanh Bình đều được Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng giải C, giải thưởng VHNT thường niên (các năm 2017 - 2018 - 2019). Tập truyện của Kim Thắm đang gửi dự xét giải và hy vọng cũng sẽ nhận được giải thưởng danh giá này, năm 2020.