Đề ra các giải pháp nâng chất lượng bình xét, công nhận Gia đình văn hóa

Cập nhật ngày: 18/11/2018 02:38:13

ĐTO - Gia đình văn hóa (GĐVH) là danh hiệu quan trọng góp phần xây dựng thành công các danh hiệu văn hóa khác, tuy nhiên một số địa phương chưa nhận thức đúng đắn và thực hiện đánh giá thiếu nghiêm túc đối với danh hiệu này.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) – Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh), từ năm 2000 - 2017, số lượng GĐVH ngày càng tăng, tỷ lệ GĐVH bình quân đạt 65,57%/năm (năm 2000 đạt 66,34%, đến năm 2017 đạt 92,83%). Dù vậy, theo đánh giá của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tỷ lệ GĐVH đạt khá cao nhưng chưa phản ánh đúng tình hình thực tế đời sống xã hội.


Việc bình xét, công nhận Gia đình văn hóa từng bước thực hiện theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích

Những vấn đề như: tình trạng sinh con thứ 3, số vụ ly hôn ở các gia đình trẻ khá cao; vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình tuy được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao... đã làm hạn chế chất lượng GĐVH. Một số địa phương vẫn còn biểu hiện chạy theo thành tích, trong quá trình bình xét GĐVH còn mang tính hình thức, thiếu tính đấu tranh, góp ý phê bình, còn tình trạng nể nang, ngại đụng chạm, thiếu tính dân chủ, thiếu ý kiến đóng góp của người dân. Do kiêm nhiệm nên các thành viên Ban Công tác xã, phường, thị trấn, Ban Vận động khóm, ấp có khi chưa quan tâm đúng mức và đầu tư thời gian cho công tác này. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở (Tổ nhân dân tự quản) thường xuyên biến động, hạn chế về năng lực, nhìn chung còn thiếu và yếu trong khi quy mô và nội dung phong trào ngày càng đa dạng, phong phú... ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng bình xét và công nhận GĐVH.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng danh hiệu GĐVH, Sở VH,TT&DL đề ra một số giải pháp nhằm đưa việc bình xét công nhận GĐVH theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích, đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Trong tháng 11/2018, Sở VH,TT&DL tham mưu UBND tỉnh triển khai Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ, điều chỉnh nội dung đánh giá và công nhận các danh hiệu: “GĐVH”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm văn minh đô thị”. Trong đó, GĐVH sẽ là danh hiệu chung bao gồm tất cả các danh hiệu gia đình khác, kể cả danh 3 hiệu Gia đình học tập, không để tình trạng xét và công nhận nhiều danh hiệu như hiện nay ở các địa phương.

Ngoài ra, Sở VH,TT&DL còn xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ 2015 – 2020 về chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh; tiếp tục rà soát, sửa đổi các nội dung, tiêu chí đánh giá và công nhận danh hiệu “GĐVH”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm văn minh đô thị” theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ghi nhận những phản ánh, kiến nghị, các vấn đề bất cập trong thực hiện phong trào ở cơ sở để có sự điều chỉnh nội dung, tiêu chí đánh giá sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, hàng năm rà soát, bổ sung, sửa đổi các tiêu chí đánh giá, đưa vào những nội 4 dung tiêu chí địa phương cần tập trung phấn đấu thực hiện gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bên cạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vai trò chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện trong phối hợp chỉ đạo phong trào, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; cá biệt hóa trách nhiệm từng ngành gắn với từng tiêu chuẩn, tiêu chí để cộng đồng trách nhiệm. Phân định rõ trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện trong việc hướng dẫn Ban Công tác cấp xã và Ban Vận động khóm, ấp triển khai thực hiện đồng bộ công tác bình xét danh hiệu GĐVH.

Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân về vai trò, ý nghĩa của các danh hiệu văn hóa. Triển khai Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 5/11/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại một số địa phương vào đầu năm 2019.

Theo đó, sẽ đưa những nội dung của Bộ tiêu chí này vào các tiêu chuẩn xét và công nhận danh hiệu GĐVH làm nền tảng vững chắc để góp phần đảm bảo cho các danh hiệu khác như: ấp, xã văn hóa nông thôn mới; khóm, phường, thị trấn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; chợ văn minh, chợ nông thôn mới... từng bước nâng cao chất lượng bình xét, công nhận. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện phong trào hàng năm để kịp thời hỗ trợ các địa phương phát huy những mặt làm được, khắc phục những hạn chế, tồn tại đảm bảo danh hiệu GĐVH được đánh giá đúng thực chất, qua đó hướng đến xây dựng gia đình phát triển bền vững.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn