Đổi mới sân khấu “thời 4.0”

Cập nhật ngày: 24/06/2018 16:07:53

Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần một cái nhấp chuột đã có thể mở ra cả thế giới giải trí rộng lớn và sống động trên mạng in-tơ-nét. Vì thế, sân khấu truyền thống - loại hình đòi hỏi người xem phải tới rạp mới có thể thụ hưởng trọn vẹn nội dung và giá trị nghệ thuật càng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết. Nếu không muốn ngày càng “hụt hơi” trong cuộc chạy đua giành khán giả, sân khấu buộc phải đổi mới và không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian qua, không thể phủ nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của nhiều thiết bị nghe nhìn hiện đại, ứng dụng kết nối tinh tế đã mang đến những thay đổi đáng kể cho sân khấu. Ê-kíp sáng tạo của một số nhà hát đã có những đầu tư nhất định để ứng dụng công nghệ trong xây dựng, dàn dựng tác phẩm sân khấu nhằm thu hút người xem. Trong đó, phải kể tới những vở diễn như: Ionah của Nhà hát Star Galaxy, Tứ phủ của Nhà hát Việt, nhất là vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ của Công ty Tuần Châu Hà Nội... Những tác phẩm cải lương do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện gần đây cũng nhận được đánh giá cao của bạn diễn và sự đón đợi của công chúng nhờ kết hợp giữa ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình led...

Điều này chứng tỏ, việc đưa những ứng dụng công nghệ vào xây dựng tác phẩm sân khấu là hoàn toàn khả thi, giúp mang đến nhiều cảm hứng mới cho khán giả hiện đại trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, sự chuyển biến của sân khấu nước nhà, còn chậm, nhịp sống sân khấu chưa theo kịp những bước đi nhanh, mạnh như vũ bão của khoa học công nghệ. Bối cảnh cách mạng 4.0 đòi hỏi sân khấu phải được thể hiện bằng ngôn ngữ đa phương tiện, tức không chỉ là diễn xuất của diễn viên mà còn là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác với sự hỗ trợ của công nghệ nhằm chuyển tải nội dung một cách hấp dẫn nhất. Muốn vậy, cơ sở vật chất của các nhà hát, rạp hát phải được thiết kế, xây dựng theo những tiêu chuẩn riêng biệt, đáp ứng yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật và thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ mới của khán giả. Song trên thực tế, phần lớn hệ thống rạp, nhà hát ở nước ta đều cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa tác phẩm sân khấu. Những đơn vị chỉ sử dụng một số hiệu ứng công nghệ đơn giản trong tác phẩm cũng đã phải đi thuê địa điểm biểu diễn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phần lớn vẫn hạn chế về trình độ khoa học công nghệ. Do đó, muốn tận dụng những kỹ thuật công nghệ vào xây dựng tác phẩm, cần có sự đầu tư đủ lớn về trí lực, vật lực, nhân lực để hiện đại hóa hệ thống rạp hát sân khấu và ứng dụng những công nghệ hiện đại vào dàn dựng tác phẩm với sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Cùng với yêu cầu thay đổi về phương thức thể hiện tác phẩm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn đặt ra yêu cầu đổi mới cách thức giới thiệu, quảng bá tác phẩm sân khấu nhằm thu hút khán giả tới rạp. Thay vì cách tiếp thị truyền thống trước đây, các đơn vị nghệ thuật cần tận dụng lợi thế của in-tơ-nét để tăng khả năng kết nối thông qua hệ thống website, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Thay vì bán vé trực tiếp, cần triển khai hệ thống bán vé điện tử thông qua những cổng thanh toán trực tuyến. Khả năng tương tác với công chúng cần được đẩy mạnh để khán giả cảm thấy như được tham gia vào quá trình xây dựng tác phẩm sân khấu. Và khi vai trò của khán giả được coi trọng, họ sẽ không bao giờ bỏ quên sân khấu. Nhờ khả năng kết nối, tương tác, các đơn vị nghệ thuật cũng dễ dàng tập hợp được cơ sở dữ liệu của công chúng quan tâm đến những tác phẩm của mình, từ đó có chiến lược ma-két-tinh, chăm sóc khách hàng mục tiêu phù hợp. Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng nhiều hiệu ứng công nghệ thì tác phẩm sẽ thu hút khán giả. Những hiệu ứng công nghệ chỉ có thể phát huy tác dụng cao nhất khi phù hợp với nội dung chuyển tải tác phẩm. Càng trong guồng quay công nghệ, yếu tố nội dung tư tưởng của tác phẩm càng cần được chú trọng, nhất là tính tiên phong, phản biện, dự báo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều áp lực nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để sân khấu Việt Nam có thể chuyển biến mạnh mẽ. Làm nghệ thuật là khát khao đổi mới. Sân khấu Việt Nam có thể biến những thách thức thành thời cơ để tìm lại thời hoàng kim được hay không, phụ thuộc phần lớn vào sự nhạy bén của những đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu.

VIỆT ANH (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn