Gặp gỡ những gia đình văn hóa tiêu biểu

Cập nhật ngày: 28/06/2019 16:35:15

ĐTO - Ở tỉnh Đồng Tháp, có nhiều gia đình giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp; quan tâm giáo dục, cho con học hành thành tài. Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Phóng viên Báo Đồng Tháp gặp gỡ một vài gia đình văn hóa tiêu biểu trong tỉnh.


Ông Nguyễn Văn Bằng cùng vợ chụp ảnh lưu niệm với con cháu

Gắn phát triển kinh tế với xây dựng gia đình văn hóa

Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng và bà Đoàn Thị Thu Ba ngụ ấp 4, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh đang có trong tay bạc tỷ. Ít ai ngờ, vợ chồng ông từng sống cảnh nghèo khó và đi lên từ “đôi bàn tay trắng”. Theo ông Bằng, sau khi cưới nhau, vợ chồng ông không có đất đai, nghề nghiệp, cũng chẳng vốn liếng. Xác định kinh tế ổn định là nền tảng quan trọng giúp gia đình hạnh phúc, vợ chồng ông Bằng nỗ lực lao động để có thu nhập. Năm 2010, từ nguồn vốn tích lũy, ông Bằng “làm gan” đầu tư nuôi cá tra và kinh tế gia đình ông phất lên nhờ loại cá này. Hiện, với nghề nuôi cá tra, ếch thịt, ếch giống, trồng xoài (tổng diện tích hơn 40.000m2) và sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản, trung bình mỗi năm, hộ ông Nguyễn Văn Bằng có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Việc nuôi thủy sản, trồng trọt, kinh doanh của gia đình ông Bằng tạo việc làm cho 13 lao động với thu nhập từ 3 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Dù bận rộn việc làm ăn nhưng vợ chồng ông Bằng vẫn dành thời gian gần gũi, tâm sự, chia sẻ và giáo dục con cháu. Cả 3 người con của ông đều được học hành, có việc làm ổn định. Hai người con trai lớn - anh Nguyễn Khương Bình (trình độ chuyên môn Đại học Thú y) và Nguyễn Ngọc Bách (Trung cấp Thủy sản) đang phụ giúp quản lý cơ ngơi của gia đình. Con gái út của ông là em Nguyễn Thị Ánh Băng cũng đang theo học Trung cấp Thú y. “Vợ chồng tôi quan tâm, giáo dục con cháu nghiêm túc từ nhỏ cho đến cả bây giờ. Chúng tôi rất chú trọng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp như kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, nhường nhịn lẫn nhau... Gia đình tôi gồm 3 thế hệ với 11 thành viên. Các con, cháu đều hiếu thảo, hòa thuận” - ông Nguyễn Văn Bằng cho biết.


Các thành viên của gia đình anh Đào Văn Lợi quây quần trong bữa cơm chiều (ảnh do anh Lợi cung cấp)

Cùng nhau chia sẻ việc nội trợ

Cưới nhau đã hơn 20 năm, anh Đào Văn Lợi (SN 1970) và vợ - chị Phan Thị Kiều Oanh (SN 1977) ngụ phường 4, TP.Sa Đéc luôn cố gắng xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Anh Đào Văn Lợi giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 4, còn vợ anh làm nghề buôn bán trái cây ở chợ. Gia đình anh có 6 thành viên cùng sống dưới một mái nhà, gồm: mẹ ruột, hai người chị của anh Lợi, vợ chồng anh và một cô con gái đang học Trung cấp nghề may mặc. “Đôi khi, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hay chị chồng - em dâu cũng khá phức tạp. Tôi thường là người trung gian vận động những người thân trong gia đình thông hiểu nhau, chia sẻ, bỏ qua cho nhau những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống. Gia đình tôi duy trì việc các thành viên cùng có mặt và dùng bữa cơm chiều. Bữa cơm gia đình giúp các thành viên thêm gắn kết, góp phần “giữ lửa” gia đình” - anh Lợi cho biết.

Nhiều năm qua, cuộc sống gia đình anh Lợi êm ấm, vui vẻ và được công nhận là gia đình văn hóa. Năm 2018, hộ anh Đào Văn Lợi được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2013 - 2017. Theo anh Lợi, yếu tố giúp duy trì được hạnh phúc gia đình là vợ chồng phải bình đẳng, cùng nhau san sẻ việc nhà. Vì vậy, sau giờ làm việc ở cơ quan, anh thường tranh thủ phụ vợ dọn dẹp hàng hóa và làm giúp vợ việc nội trợ như nấu cơm, quét dọn, giặt giũ... Đồng thời, vợ chồng nên thường xuyên trao đổi, tâm sự những buồn vui trong cuộc sống; có sự cảm thông cho nhau và động viên nhau cùng vượt qua những lúc khó khăn, bất trắc trong cuộc sống. Đặc biệt, trong cách cư xử với vợ con phải nhẹ nhàng, tuyệt đối không dùng bạo lực.


Vợ chồng ông Lê Văn Năm và bà Ngô Thị Hồng

Cha mẹ là tấm gương sáng cho con

Ông Lê Văn Năm (tên thường gọi Tư Mau) và bà Ngô Thị Hồng ngụ ấp Tân Thuận, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung đã có hơn 50 năm nên nghĩa vợ chồng. Suốt khoảng thời gian ấy, ông bà cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Năm kể: “Lúc trước, cuộc sống gia đình chỉ trông cậy vào 5 công đất làm lúa 1 vụ/năm nên kinh tế thường túng thiếu. Vợ chồng tôi chăn nuôi heo, giăng câu, giăng lưới... để có thêm thu nhập, nuôi các con ăn học. Dần dần, các con lớn khôn, làm việc phụ giúp vợ chồng tôi. Tôi tích lũy vốn, mua được máy suốt lúa, máy xới, mua thêm đất ruộng..., kinh tế gia đình được cải thiện”.

Ông Năm dạy con rất nghiêm; thường xuyên nhắc nhở các con giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Hiện nay, trong số 6 người con của ông, có người nối nghiệp nghề nông, có người theo nghề buôn bán, người thì làm giáo viên. “Con ruột và con dâu, con rể của tôi hiền lành, hòa thuận và hiếu thảo. Tụi nó rất cần cù, siêng năng làm việc nên kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc. 11 đứa cháu nội, cháu ngoại của tôi chăm ngoan, học giỏi. Điều đó là niềm vui, an ủi rất lớn đối với vợ chồng tôi lúc tuổi già” - ông Năm bộc bạch.

Là nông dân “chính gốc”, quanh năm, vợ chồng ông Năm quần quật với ruộng đồng để nuôi các con khôn lớn, nên người. Giờ đây, ngoài thời gian vui vẻ bên con cháu, ông Năm còn tích cực đi góp công xây cầu, đường nông thôn ở địa phương. Anh Lê Thanh Tiền (Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa) là con thứ năm của ông Lê Văn Năm chia sẻ: “Cha mẹ là tấm gương sáng cho tôi và anh chị em trong nhà về tinh thần chịu thương chịu khó, sống chất phác, thật thà, đối xử tốt với bà con dòng họ, xóm giềng. Noi gương cha mẹ, tôi và các anh chị em cũng siêng năng lao động, chí thú làm ăn và sống tử tế với mọi người xung quanh”.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn