Hội Minh Thề là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật ngày: 02/03/2018 10:41:58
Ngày 1/3, tại cụm di tích đền chùa thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã diễn ra lễ đón quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ khai hội Minh Thề - thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trao Bằng công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội Minh Thề” cho lãnh đạo huyện Kiến Thụy. Ảnh: Minh Thu-TTXVN
Lễ hội Minh Thề nhằm tôn vinh một cách sống của người dân, một văn hóa của người làm quan xưa. Đây là một trong số những lễ hội không có vụ lợi, không xô bồ và bị thương mại hóa.
Hội Minh Thề có từ năm 1561, thuộc quần thể Vương triều Mạc. Trước đây có tên gọi là ấp Lan Niểu, do Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung) tự bỏ tiền và vận động 35 quan triều Mạc, thân vương công chúa vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Dựng xong chùa, Thái Hoàng Thái Hậu tự bỏ tiền mua 24 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng cúng ở Tam Bảo. Một phần để hương khánh tiết, một phần chia cho dân đinh cày cấy lập lên nhằm giữ của công. Sản phẩm hoa lợi dân đinh được hưởng tự do, không phải cống nạp, không phải đóng thuế. Phần còn lại cho cấy đấu thầu, thu sản lượng đó làm của công, những năm đói kém lấy chia cho người nghèo. Những năm dư thừa thì đem ra sửa chữa đường làng, tu sửa đền miếu.
Người quản lý số sản phẩm, lợi lộc (gọi chung là quỹ làng) là lý trưởng, phó lý, trương tuần. Vì vậy, để tránh những người “cầm cân nảy mực” trong làng dùng của công làm việc riêng, tư lợi cá nhân… Thái Hoàng Thái Hậu đã đặt ra lễ hội Minh Thề là để giữ của công.
Được khôi phục từ năm 2002 đến nay, hội Minh Thề được biết đến bởi sự độc đáo, tính nhân văn và triết lý đạo đức sâu sắc. Tại buổi lễ, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, khẳng định, tại Lễ hội Minh Thề, thông qua các hoạt động nhằm giáo dục mọi người từ chức sắc, nhân dân dùng của công vào việc công. Hồn cốt, tư tưởng đặc sắc của lễ hội ở chỗ, tu tâm tích đức, làm việc thiện, chớ làm việc ác, không lấy của công làm việc tư, chấp hành hương ước làng xã, thượng tôn pháp luật, chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết,… Cho đến nay lễ hội vẫn mang giá trị thời sự và thời đại.
Sau lễ đón nhận quyết định, các nghi lễ của hội Minh Thề theo truyền thống đã được thực hiện trang nghiêm, thành kính.
MAI AN (SGGPO)