Nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”

Cập nhật ngày: 27/12/2018 04:56:02

Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã chủ trương đưa nội dung công tác gia đình trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều mô hình về gia đình được thực hiện hiệu quả và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nhân dịp cuối năm, Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những giải pháp nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên (PV): Đến cuối năm 2018, thực trạng cũng như kết quả công tác bình xét danh hiệu GĐVH trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thương: Xác định xây dựng GĐVH có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người và phát triển đất nước, những năm qua, tỉnh ta đã chủ trương đưa nội dung công tác gia đình trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều mô hình về gia đình được thực hiện hiệu quả và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Từ năm 2000 - 2018, tỷ lệ GĐVH bình quân đạt 80,55%/năm (năm 2000 đạt 66,34%; năm 2018 đạt 92,47%). Năm 2017, UBND ban hành Quyết định Hướng dẫn đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào theo hướng đổi mới, thay đổi một số nội dung tiêu chuẩn nhằm phản ánh đúng thực tế xã hội, nâng cao chất lượng công tác bình xét các danh hiệu. Trong đó, danh hiệu GĐVH được thực hiện lồng ghép với Gia đình học tập nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và giảm phiền hà cho người dân trong quá trình bình xét, hội họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì danh hiệu GĐVH vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: hàng năm, tỷ lệ GĐVH đạt khá cao nhưng các vấn đề như: tình trạng sinh con thứ 3, số vụ ly hôn ở các gia đình trẻ khá cao; vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình tuy được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao...; một số địa phương còn biểu hiện chạy theo thành tích, các hộ gia đình còn tình trạng nể nang, ngại đụng chạm, mang tính dĩ hòa vi quý, thiếu tính dân chủ; còn tình trạng xét nhiều danh hiệu tự phát như: Gia đình thể thao, Gia đình người cao tuổi không vi phạm pháp luật... gây lãng phí thời gian, công sức và phiền hà trong nhân dân.

PV: Để nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu GĐVH, tỉnh ta sẽ triển khai các giải pháp như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thương: Với mục tiêu nâng cao chất lượng danh hiệu GĐVH đi vào thực chất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh đề ra một số giải pháp:


Năm 2018 có 150 gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen

Một là, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định Hướng dẫn đánh giá và công nhận danh hiệu GĐVH theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với những điểm mới như sau:

Quy định cụ thể danh hiệu GĐVH theo hướng mở, định lượng được và có tính dự báo trước tác động bởi sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu lao động, nhất là lao động nông thôn, về tốc độ đô thị hóa và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng bảng chấm điểm GĐVH mới gồm 3 tiêu chuẩn với 24 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực, đạt độ tiệm cận hoặc cao hơn mức chuẩn so với một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nội hàm các tiêu chí dễ định lượng, xác định được mức độ đạt và không đạt khi bình xét phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và của tỉnh.

Quy định 9 trường hợp không được xét GĐVH, đây là điểm mới, cụ thể, giúp cho việc bình xét được thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa tính hình thức trong quá trình bình xét danh hiệu. Đồng thời, quy định thêm những hộ gia đình không thực hiện đăng ký xây dựng GĐVH từ đầu năm hoặc những hộ gia đình vắng họp xét không có lý do chính đáng sẽ không được xét và công nhận GĐVH; không xét đối với những hộ gia đình có tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn quy định dưới 50% số điểm tối đa.

Trong hướng dẫn đăng ký, bình xét, công nhận phải thực hiện đúng quy trình chi tiết, cụ thể các bước tiến hành, tuyệt đối không được đốt giai đoạn, đảm bảo tuân thủ phát huy dân chủ, trên cơ sở bàn bạc biểu quyết; không để xảy ra tình trạng tổ chức bình xét mang tính qua loa, hình thức hay chạy theo thành tích.

Hai là, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vai trò chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp trong phối hợp thực hiện phong trào, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; cụ thể hóa trách nhiệm từng ngành thành viên gắn với từng tiêu chuẩn, tiêu chí và hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ công tác bình xét danh hiệu GĐVH.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền về phong trào trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về vai trò, ý nghĩa của các danh hiệu văn hóa trong đời sống xã hội.

Bốn là, triển khai Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp và thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại một số địa phương vào đầu năm 2019, đưa những nội dung này vào các tiêu chuẩn xét và công nhận danh hiệu GĐVH làm nền tảng vững chắc để xây dựng các danh hiệu ấp, xã văn hóa nông thôn mới; khóm, phường, thị trấn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; chợ văn minh, chợ nông thôn mới... đảm bảo chất lượng.

Năm là, hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện phong trào ở cơ sở, ghi nhận những phản ánh, kiến nghị, các vấn đề bất cập để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

LÊ LINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn