Nghĩ thêm về Khu di tích Gò Tháp
Cập nhật ngày: 25/04/2018 11:31:33
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, sách, báo, nhiều công trình xây dựng, tôn tạo... ở Khu di tích Gò Tháp. Ở đây, tôi chỉ xin góp vài ý trên phạm vi con người từng có mặt tại mảnh đất này.
Cuộc đào thám sát tháng 4/1984, các nhà khảo cổ đã tìm được một sọ người mà qua phân tích của chuyên gia cổ nhân cổ sinh Đỗ Đình Truật cho biết đó là người cổ bản địa. Cùng cuộc đào thám sát đó ta tìm thấy dấu vết cư trú, tín ngưỡng tôn giáo, những kiến trúc bằng gạch nung, bằng đá, vật chế tác bằng vàng, đá quý, tượng Phật bằng gỗ, các yoni, linga bằng đá, tượng thần Visnu, Silva... của đạo Phật, đạo Bà la môn thời vương quốc Phù Nam (cách nay trên 1.500 năm). Sau Phù Nam là Thủy Chân Lạp và khá nhiều di chỉ gắn liền với con người Việt Nam: Ngôi chùa theo truyền thuyết có từ thời Thiệu Trị (1841-1847), chùa Minh Sư (có trước năm 1930), miếu Bà Chúa Xứ và đậm nét thời Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều xây dựng đại bản doanh (đồn Trung) tại đây từ năm 1864 làm căn cứ chống Pháp.
Sang đầu những năm kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược nước ta, từ đầu năm 1946, Đồng Tháp Mười nói chung trở thành chiến khu kháng chiến ở Nam bộ. Tại Gò Tháp, Trường Quân chính, Công binh xưởng khu 8 từng ở đây và các vùng xung quanh là nơi đóng quân của các cơ quan Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, Công an Nam bộ, Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ, Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ, Nhà in Trần Phú, Khu ủy, Quân khu ủy Khu 8...
Thời Ngô Đình Diệm, để khống chế, kiểm soát vùng này, chúng xây dựng lên viễn vọng đài gọi là Tháp Mười tầng (năm 1957) do quân đội đóng giữ. Tháp Mười tầng trá hình này cùng đồn Mỹ Hòa bị quân dân Kiến Phong san bằng đêm 4/1/1960 trong cuộc nổi dậy - tấn công (sau này gọi là Đồng Khởi). Sau đó, Gò Tháp là nơi giành đi giựt lại giữa ta và địch, bị bom đạn tàn phá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Có thể nói, ít có nơi nào có độ dày về lịch sử hoạt động của con người nối liền qua các thời kỳ bằng Di tích Gò Tháp.
Quan tâm làm rõ dần quá trình này, gần 40 năm qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phối hợp các viện nghiên cứu, các trường đại học, các giáo sư, các nhà khảo cổ... vừa tìm hiểu qua tư liệu lịch sử thành văn, truyền thuyết, vừa khai quật tại chỗ, đã từng bước làm rõ ra từng phần và bắt tay xây dựng những công trình nhằm tôn tạo, phục chế khu di tích như: Xây dựng mới lại chùa Tháp Linh (Tháp cổ tự), mộ và đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, miếu Bà Chúa Xứ, dựng tượng hai ông Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và bảo vệ một số di tích khai quật kiến trúc thời Vương quốc Phù Nam..., cùng với việc di dời trên 50 hộ dân sinh sống tại đây, mở đường bộ, kéo điện, nước sạch..., năm 2017 khánh thành thêm Đền thờ Thiên hộ Dương và đã qui hoạch xây dựng Nhà Trưng bày Xứ ủy Nam bộ ở Đồng Tháp Mười tại Di tích Gò Tháp, đặt đá khởi công Đại bảo tháp và Thiền viện; đường bộ và cầu đã nối liền Gò Tháp đi các nơi, mở ra Khu du lịch sinh thái Đồng Sen.
Hoạt động những năm qua đã định hình hai lễ cúng: rằm tháng 3 âm lịch cúng Bà Chúa Xứ và rằm tháng 11 âm lịch tưởng nhớ hai ông Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, thu hút hàng chục vạn đồng bào các nơi về đây chiêm ngưỡng. Tỉnh đã quy hoạch vùng sinh thái rộng 150ha giáp phía Tây Gò Tháp. Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, đã thành điểm du lịch tâm linh, tìm hiểu lịch sử, tham quan thắng cảnh Đồng Tháp Mười hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Để phát huy giá trị lịch sử và nhận thức của du khách, tôi có vài đề nghị:
- Về giới thiệu văn hóa Phù Nam, ngoài các di chỉ khảo cổ đã khai quật, bảo vệ, nên chăng có nơi trưng bày các hiện vật vốn có ở Gò Tháp, như linga, yoni, các tượng Phật, tượng Thần cùng các hiện vật khác. Các bảo vật Quốc gia có thể trưng bản phục chế (hiện vật gốc giữ ở Bảo tàng tỉnh).
- Về thời kỳ Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều hiện có hai ngôi đền thờ, mộ ông Đốc binh Kiều, tượng thờ và tượng ngoài trời hai ông. Song tư liệu về hai ông còn quá nghèo nàn. Đồn Trung qua năm tháng thành lũy, chiến hào, tháp canh, doanh trại... đều bị san bằng không còn dấu vết gì. Thực tế ta không thể phục dựng lại như xưa. Ta có thể dựng sa bàn mô hình đồn Trung nằm trong Gò Tháp. Theo tài liệu, đồn này được ông Trần Trọng Khiêm (1821-1866) thiết kế theo mô hình đồn canh Suter ở Mỹ, cùng các đồn Tiền, đồn Tả, đồn Hữu bao quanh đồn Trung. Tỉnh ta có công văn đến Bộ Ngoại giao, quan hệ Đại sứ Hoa kỳ ở Việt Nam và qua nhiều kênh thông tin khác để biết kiểu đồn Suter xây dựng ở California mà ông Trần Trọng Khiêm lấy đó xây dựng đồn Trung ở Gò Tháp, làm cơ sở cho ta phục dựng lại trên sa bàn. Quan hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Hội người Việt Nam ở Paris – Pháp, nhờ họ tìm tư liệu thành văn (các bản báo cáo, tờ trình...) cùng hình ảnh liên quan đến ông Võ Duy Dương mà các Thư viện, Bảo tàng, kho lưu trữ của Pháp còn lưu giữ. Lãnh đạo tỉnh cho phép Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đến Trung tâm lưu trữ Quốc gia ở Hà Nội (thuộc Bộ Nội vụ) khai thác châu bản triều Nguyễn có liên quan đến hai ông, cùng những hiện vật hiện lưu giữ ở Bảo tàng Đồng Tháp. Có thêm sa bàn và các tài liệu, hiện vật trưng bày trong Đền thờ ông Võ Duy Dương, chắc chắn sẽ làm phong phú hơn cho sự hiểu biết của du khách, của những người nghiên cứu lịch sử. Tỉnh cần in thêm sách, văn hóa phẩm... về hai ông, về Gò Tháp để phục vụ du khách.
- Cảnh quan Gò Tháp hiện giờ thay đổi khác hẳn trước đây, chủ yếu do ta tôn tạo và xây dựng mới (cả đường đi, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh...). Điều đó là đáng tiếc (vì mất cũ) song không thể tránh khỏi.
Riêng cái gọi là miếu Hoàng Cô xin dành dịp khác trao đổi sâu hơn.
- Hai lễ cúng hàng năm ở Gò Tháp ngày thêm đông khách các nơi đến chiêm ngưỡng, đã xảy ra cảnh tắt nghẽn từng lúc các con đường đi bộ vào Gò Tháp. Tỉnh nên có biện pháp sớm mở thêm đường, cầu tạo lối vào, lối ra thông thoáng hơn cho khách viếng, tham quan Di tích Gò Tháp.
Nguyễn Đắc Hiền