Nhà vẽ thủ công còn lại duy nhất ở Sa Đéc
Cập nhật ngày: 04/04/2023 05:12:56
ĐTO - 60 năm trước, ở nhà vẽ Hồng Thái đường Minh Phụng Chợ lớn, Sài Gòn có một cậu bé trạc 13 tuổi, vai đeo chiếc thùng bán kem, ngày nào cũng quẩn quanh nơi đó. Cậu bé đó tên là Nguyễn Nam Thanh sinh ra trong một gia đình lao động nghèo có 7 anh chị em. Thi trượt vào đệ thất (lớp 6 ngày nay), cậu bé Thanh ban ngày phải quẩy thùng kem di bán dạo để mưu sinh, ban đêm dự lớp học văn hóa chờ thi lại vào năm sau. Cả nhà không ai đam mê hội họa, duy chỉ có cậu bé Thanh không hiểu vì sao luôn có niềm say mê được cầm cọ vẽ trên tay.
Ông Nguyễn Nam Thanh - người thợ vẽ tài hoa (Ảnh: H.Nhân)
Những ngày bán hết sớm, Nam Thanh lại đến ngay nhà vẽ. Thấy các hộp sơn đã dùng nằm lăn lóc trong góc tường hay giữa lối đi, Nam Thanh để thùng kem qua một bên rồi thu dọn lại cho gọn. Nam Thanh có thể đứng nhìn các chú, các anh nhiều giờ liên tục chỉ với một động tác lặp đi lặp lại là kéo cọ từ trên xuống, từ trái qua phải để di những lớp sơn lót sao cho thật mịn, sáng rõ.
Ông chủ nhà vẽ Hồng Thái thoạt đầu không quan tâm lắm vì việc các chú bé đến xem nhân công của ông vẽ vời là chuyện bình thường, ít hôm rồi cũng rời đi nơi khác. Nhưng nhiều ngày, rồi nhiều tuần trôi qua, ông thấy Nam Thanh gần như cuối buổi là có mặt, ông dặn lòng phải tìm hiểu xem sao. Một buổi chiều, thấy Nam Thanh với ánh mắt không rời nhìn vào tấm bảng hiệu đang được tô vẽ hoàn chỉnh lần cuối trước khi giao cho khách, ông bước lại hỏi:
- Vẽ thì có gì hay mà thu hút con đến vậy?
Nam Thanh trả lời:
- Dạ thưa, thu hút lắm. Dưới bàn tay của các họa sĩ, màu sắc lung linh lắm. Tấm bảng hiệu nào cũng có vẻ đẹp riêng. Con mơ một ngày nào đó con có thể làm được vậy.
Ông chủ nghe Thanh nói vậy liền hỏi:
- Thế con có muốn học vẽ không?
Thanh trả lời:
- Dạ muốn nhưng con không có tiền đóng cho thầy.
Ông chủ nhà vẽ bảo:
- Không sao, con cứ đến rồi tiếp làm một số việc vặt thay cho tiền đóng học phí.
Nam Thanh mừng rơn nhưng e dè nói với thầy:
- Nhưng con chỉ có thể đến vào buổi chiều vì buổi sáng phải đi bán kem. Buổi tối còn phải đi học luyện thi.
Ông chủ nhà vẽ cười hiền:
- Vậy cũng được.
Thế là từ hôm đó, Nam Thanh được nhận vào học việc ở nhà vẽ. Nói là học việc nhưng chủ yếu Nam Thanh thu dọn các hộp sơn đã dùng và xếp vào một nơi cho gọn. Cọ vẽ của các nhân công được ngâm, rửa cẩn thận. Ai ai cũng mến vì tính cẩn thận của Nam Thanh. Chẳng những vậy, Nam Thanh cũng không nề hà tiếp chuyện bếp núc trong nhà vẽ. Nguyên bà chủ nhà vẽ là vợ của thầy, nấu ăn rất ngon nhưng chưa được ngăn nắp lắm trong sắp xếp nhà bếp, Nam Thanh khi rỗi việc liền cùng làm với bà. Bà chủ hài lòng lắm. Bà thủ thỉ với ông rằng, cậu bé này tánh nết cẩn thận, chu đáo không nề hà vất vả, có thể truyền nghề được.
Có lần Nam Thanh đến muộn, ông chủ nhà vẽ ngạc nhiên hỏi mãi, Nam Thanh mới cho biết, sáng hôm đó trên đường đi bán kem, thấy nhiều người vây quanh một chiếc xe bít bùng, gởi cho những người trong đó bánh mì, nước uống. Nam Thanh nghe được đấy là xe chở tù chính trị về nơi giam giữ. Nam Thanh hào hiệp tới ngỏ lời với người chỉ huy đoàn xe xin được tặng kem cho tất cả tù nhân. Được sự đồng ý, Nam Thanh mở thùng kem lấy hết số que kem trong đó tặng cho họ. Bà con khen quá chừng. Sau đó, Nam Thanh quay trở về hãng nhận số kem mới để bán bù lại cho số kem đã tặng... Ngày hôm đó coi như đi bán mà không thu được đồng lời nào. Về nhà, Nam Thanh kể lại cho cha nghe. Cha không trách gì, còn khen mấy lượt. Tính nết của Nam Thanh vẫn còn đó, sau bao nhiêu năm, ông vẫn luôn cưu mang giúp đỡ cho những phận đời thiếu may mắn mà ông gặp được không kể ít nhiều.
3 tháng vào học việc trôi qua, nhưng Nam Thanh chưa một lần được cầm cọ vẽ nên có vẻ sốt ruột lắm. Nam Thanh đánh bạo hỏi thầy:
- Thầy ơi chừng nào con được cầm cọ như mấy anh?
Thầy cười trả lời:
- Đừng vội. Việc đầu tiên con cần làm là chỉ đứng nhìn mấy anh làm việc thôi. Làm việc ở đây là kéo 2 lần sơn lót lên tấm bảng hiệu thường là bằng thiếc trước khi kẻ chữ lên đó.
Quan sát động tác của các anh lớp trước, dần dần, Nam Thanh nắm được cách thức kéo từng đường cọ sao cho nước sơn ăn đều lên mặt phẳng, không so le, sọc dưa... nghiêng về phía ánh sáng, tuyệt đối không để thấy có nét cọ nào lấn chồng lên nhau. Thầy cũng cho Nam Thanh thực hiện công đoạn đi lớp sơn lót trước khi giao cho các thợ vẽ khác đi phần chữ. Quét sơn lót được vài tháng, thầy gọi Nam Thanh đến dạy cách pha màu, kẻ chữ. Nam Thanh tiếp thu tốt, quyết tâm nên nhớ bài và có sáng tạo riêng nên thầy vui lắm. Có điều, Nam Thanh chỉ được kẻ có mấy con chữ làm đi làm lại mãi. Nam Thanh lại hỏi:
- Bao giờ con được kẻ hết các con chữ trong bảng chữ cái.
Thầy ôn tồn:
- Chưa đâu, con còn phải rèn nét cọ sao cho dứt khoát. Nét nào phải ra nét đó. Các nét cong, khuyết con còn đi chưa nhuyễn, tay cầm cọ phải chắc không được run, con cần cố gắng nhiều.
Thế là Nam Thanh bỏ ra hàng tháng trời chỉ để đi từng nét cọ đâu ra đấy. Tay cầm cọ hàng mấy giờ mà không hề mỏi. Cho đến ngày thầy gật đầu công nhận tay nghề đạt chuẩn có thể tự mình kẻ, vẽ một tấm bảng hiệu cho khách hàng, Nam Thanh đã miệt mài đúng 6 tháng.
Không chỉ tự mình đứng vẽ một bảng hiệu ngay cả việc giao hàng treo bảng hiệu lên cửa hàng theo yêu cầu của khách, Nam Thanh cũng làm thành thạo không kém các anh lớp trước. Lúc đó chưa có thang xếp bằng nhôm, chỉ dùng thang tre và vận chuyển bảng hiệu bằng xe ba gác, chỉ sơ suất một chút là rơi vỡ, móp méo ngay. Nam Thanh từng phải lần mò theo đường thoát nước từ máng xối xuống đất để chuyển những tấm bảng hiệu to lên đúng vị trí. Công việc vất vả nhưng Nam Thanh sống vui vì thỏa niềm đam mê của mình.
Nam Thanh sau đó chỉ còn một buổi đi học, buổi còn lại làm nghề ở nhà vẽ.
Chiến sự những năm 60-70 ác liệt, Nam Thanh để tránh bị bắt lính đã từ giã Sài Gòn về Sa Đéc lập nghiệp. Nhớ thầy, nhớ bạn, cậu bé Nam Thanh ngày nào giờ đã trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, vững chãi tay nghề, mở một nhà vẽ nhỏ lấy tên là nhà vẽ Thanh trên đường Trần Hưng Đạo cách nhà máy bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng chừng trăm mét. Người dân Sa Đéc dần biết đến nét vẽ tài hoa của Nam Thanh và gọi luôn là họa sĩ Thanh, dù Nam Thanh luôn khiêm nhường chia sẻ rằng chưa bao giờ học qua trường mỹ thuật, chỉ nhờ vào năng khiếu và đam mê mà thành nghề.
50 năm ở Sa Đéc, tay chưa bao giờ rời cọ vẽ. Họa sĩ Thanh chỉ lấy công làm lời. Trước dịch Covid-19 vẽ một bảng số nhà, sơn lại bảng số xe đã bong tróc cho mới, tiền công chỉ có 20 ngàn đồng. Làm một bảng hiệu chất liệu bằng thiếc khổ 30x50cm, đi 2 lớp sơn Bạch Tuyết có viền hoa văn khác màu, mất nửa ngày công, khách cũng chỉ trả có hơn trăm nghìn mà thôi. Có lúc, khách hàng yêu cầu sử dụng lại chất liệu bảng hiệu cũ khổ 0,5x2m chỉ chi trả công vẽ mới thôi, việc cạo bỏ lớp sơn cũ, đánh bóng lại bề mặt cần 2 người với 2 ngày làm việc cật lực. Tiếp theo là một lần sơn lót rồi mới chính thức đi lớp sơn mới. Hoàn thành, công mỗi người cũng chỉ vài trăm ngàn. Bây giờ, giá vật tư có thay đổi, công vẽ vẫn không thay đổi nhiều. Cho dù nhiều cửa hiệu đã chuyển sang làm biển hiệu bằng đèn led, chữ vi tính, chất liệu bằng mica, nhôm... họa sĩ Thanh vẫn một lòng với cây cọ vẽ và hộp sơn Bạch Tuyết như ngày đầu vào học việc ở nhà vẽ Hồng Thái năm nào. Thầy giáo Nhả, thầy giáo Lộc ở cạnh nhà vẽ chia sẻ: Chúng tôi là hàng xóm của họa sĩ Thanh có dư nửa thế kỷ. Từ ngày chúng tôi còn là học sinh nay đã là thầy giáo về hưu vẫn thấy sớm chiều họa sĩ Thanh cặm cụi bên từng tấm bảng hiệu, sống an vui với xóm giềng. Nói thật, chúng tôi hết sức cảm ơn vì họa sĩ đã vẽ giúp chúng tôi nhiều tranh để dạy học, giúp chúng tôi có những tiết dạy tốt. Đặc biệt đối với giới giáo chức, họa sĩ Thanh thường vẽ tặng miễn phí hoặc chỉ nhận tượng trưng chi phí mà thôi. Các công trình văn hóa, di tích tại địa phương... cần làm mới, phục hồi, tôn tạo... họa sĩ Thanh cũng vui vẻ mà đóng góp công sức như thế.
Lúc phát đạt nhất, nhà vẽ có đến chục em theo học nghề, chưa kể số lao động giản đơn lo việc lắp đặt, treo biển. Chiều chiều, thầy trò nghỉ giải lao, hóng mát trước nhà vẽ, thưởng thức món chè đậu đen thơm lừng, ngọt ngon với giá rẻ lúc ấy chỉ ngàn đồng một chén. Công nghệ phát triển, lần lượt các trò chuyển sang học pha màu, tạo mẫu trên máy vi tính, xa dần cọ vẽ, chia tay với thầy. Thầy vẫn cười vui với các em.
Một ít gia đình còn lưu giữ bộ tranh tứ bình vẽ mai, lan, cúc, trúc hay phong cảnh bốn mùa... treo trên tường của Nam Thanh mà chất liệu là các đĩa hát đã hỏng. Sau khi ngâm trong nước nóng, phơi cho ráo là sạch bụi, bắt nước sơn rất bền, sáng bóng... Ông vui vẻ tiết lộ bí quyết của nghề như thế.
Giờ dây, tuổi đã 73, họa sĩ Thanh vẫn ngày ngày cầm cọ thực hiện từng nét vẽ của mình theo các đơn hàng. Nhiều khách hàng của nhà vẽ vẫn tin cậy, yêu mến nét vẽ của họa sĩ Thanh từ hơn 50 năm nay, từ đời cha đến đời con. Hơn nửa thế kỷ qua, chữ ký của họa sĩ Thanh dưới góc tấm bảng hiệu vẫn nhẹ nhàng thanh thoát như ngày đầu vào nghề... Không ít chủ nhân các cửa hiệu suốt mấy mươi năm là khách hàng của nhà vẽ.
Thành công của cuộc đời mình, họa sĩ Thanh cho biết là do năng khiếu và đam mê. Các em học sinh yêu mến và có hướng thi vào trường mỹ thuật, kiến trúc cần tăng cường kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tìm đến, ông hết lòng truyền đạt mà không đặt vấn đề chi phí.
Sa Đéc giờ đây có nhiều cửa hàng trang trí, làm biển hiệu với chất liệu tân kỳ, nhưng nhà vẽ Thanh vẫn là địa chỉ lui tới của những người yêu mến nét cọ xưa, chân phương mà không kém phần duyên dáng. Khi rỗi việc, ông chủ nhà vẽ Thanh vẫn trải lòng mình qua từng bức tranh phong cảnh, chân dung. Đến nhà vẽ Thanh ở Sa Đéc cũng là để sống lại quãng đời thơ ấu, dõi mắt nhìn theo từng nét cọ của người thợ vẽ tài hoa.
Nguyễn Hữu Nhân