Phát huy giá trị 2 cây di sản Việt Nam tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật ngày: 23/07/2014 05:25:58

Vừa qua, hai cây khế và sộp tại Khu Di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây cũng là 2 cây di sản Việt Nam đầu tiên tại Đồng Tháp. Việc công nhận cây di sản góp phần quảng bá sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật ở Đồng Tháp, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, giới thiệu giá trị lịch sử, đồng thời thu hút thêm du khách đến với KDT Nguyễn Sinh Sắc.


Công nhân kỹ thuật chăm sóc cây khế - cây di sản Việt Nam tại
Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc

Năm 1977, nhân dịp khánh thành KDT Nguyễn Sinh Sắc, gia đình ông Ngô Văn Hay (thầy giáo Kỳ ngụ làng Tân Hưng, Sa Đéc trước đây) tặng KDT 2 cây sộp và khế. Theo KDT Nguyễn Sinh Sắc, ngoài giá trị di sản, cả 2 cây còn có giá trị lịch sử đặc biệt khi cây còn trồng ở vườn kiểng của thầy giáo Kỳ tại làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường 4, TP.Sa Đéc). Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phía dưới 2 cây này, gia đình thầy giáo Kỳ đã đào hầm che giấu cán bộ cách mạng qua các thời kỳ một cách an toàn.

Khi trao tặng, gia đình thầy giáo Kỳ cho biết, cây sộp được các thế hệ cha ông của gia đình trồng năm 1688 lưu truyền đến nay, chu vi thân cây (tại độ cao cách mặt đất 0,5m) là 2,2m, chiều cao 6,05m. Cây có một thân với dáng kiểng cổ (thân uốn cong hướng lên, có nhiều cành trên thân, phân cành nhánh theo kiểu đối xứng hai bên thân, từng nhánh được uốn tròn dưới to, trên nhỏ). Cây khế được trồng từ năm 1727, chu vi thân cây (tại độ cao cách mặt đất 0,5m) là 2,05m, chiều cao cây 2,65m. Cây khế có 1 thân với dáng kiểng cổ (thân thẳng có 7 cành xòe ra bốn phía, phân cành nhánh theo lối chiết chi tứ diện, uốn hình quạt, nằm ngang, dưới to, trên nhỏ. Hiện cả 2 cây được trồng cạnh vòm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cây được chăm sóc kỹ lưỡng, cắt tỉa chu đáo để giữ dáng kiểng cổ, do đó cây luôn tươi tốt, ra hoa và kết trái.

Do Ban Quản lý KDT Nguyễn Sinh Sắc xác định 2 cây sộp và khế được trao tặng là 2 cây kiểng cổ quý, có tuổi thọ cao nên từ khi tiếp nhận cây, Đội công nhân kỹ thuật của KDT đã có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt như bón phân, thay đất, xịt thuốc dưỡng định kỳ cho cây,... Anh Nguyễn Phú Quý - Đội Phó Đội công nhân kỹ thuật cho biết, việc giữ gìn, chăm sóc 2 cây kiểng cổ này được các thành viên trong đội chăm sóc luôn đặt lên hàng đầu bởi giá trị của cây. Theo anh Quý, vào năm 2010, bên trong KDT nước ngập 20cm, nếu 2 cây kiểng cổ bị ngập nước có khả năng sẽ thối rễ dẫn đến cây bị chết.

Để bảo vệ cây, lực lượng đội cùng cán bộ, công chức KDT đã dùng bao cát đắp và tấn ni lông xung quanh 2 cây kiểng cổ, ngày đêm túc trực bảo vệ cây. Ngay sau khi được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam công nhận 2 cây sộp và khế là cây di sản Việt Nam, Ban Quản lý KDT Nguyễn Sinh Sắc đã tổ chức cuộc họp và chỉ đạo Đội công nhân kỹ thuật lập kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc đặc biệt 2 cây di sản.

Theo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, thời gian tới, để phát huy giá trị 2 cây di sản Việt Nam tại KDT Nguyễn Sinh Sắc, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, coi trọng công tác thuyết minh giới thiệu ý nghĩa cây di sản tại KDT, từ đó tạo ý thức giữ gìn truyền thống cách mạng cũng như ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong nhân dân, nhất là du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan...

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn