Thành dịch bịnh

Cập nhật ngày: 06/04/2018 10:08:34

Một nỗi khổ vì bị cực hình tra tấn bởi âm thanh khủng phát ra từ giàn loa thùng ở các đám tiệc, nhà hàng... đã khiến tốn không ít các cuộc họp của cơ quan chức năng quản lý chánh quyền, văn hóa...; không biết giạ nào đong, bể nào chứa lời ta thán, phiền hà của người “bị bắt nghe”; nhiều văn bản quy định đã ban hành, song cho tới nay cái cực hình tra tấn bằng âm thanh đó vẫn chưa hề nhúc nhích giảm!

Yêu cầu ca hát trong những cuộc vui là rất chánh đáng, lành mạnh, bổ ích. Từ xa xưa, ở các đám cưới, bà con ta thường mời các “ban tài tử” nghiệp dư trong làng xóm đến giúp vui. Nhà khá giả thì dùng máy hát dĩa thu các vở cải lương, các danh ca hát hai mươi câu vọng cổ... làm tăng thêm niềm sảng khoái, đầm ấm trong gia đình, bà con họ hàng, quyến rũ nhiều người hàng xóm kéo đến nghe ké.

Đời sống lên cao, thời đại công nghệ thông tin phát triển thì nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong các cuộc vui càng lớn, càng hiện đại. Càng về sau, thì chẳng những ở những đám cưới, mà cả đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, khai trương, tất niên (có nơi cả đám ma) cũng có ca nhạc. Đã hình thành các “đội” thành cái nghề chuyên cho thuê giàn âm thanh, có “diễn viên” nam nữ, ký hợp đồng thuê giờ, ngày với gia chủ, giá cả hai bên thỏa thuận, phục vụ theo yêu cầu.

Việc đó, Tư tôi nghĩ cũng chẳng có gì sai.

Chỗ đáng nói, đáng phiền hà là từ tự nguyện, sang mê, thoải mái thưởng thức âm nhạc, bây giờ bà con ta bị cưỡng bức, bị bắt buộc, bị tra tấn bởi âm nhạc phát ra từ giàn loa thùng khủng khiếp vượt quá nhu cầu thưởng thức đó. Nguyên nhân từ đâu?

- Theo Tư tôi đầu tiên là “sính khoe danh” của gia chủ. Nhà người ta làm vậy, nhà mình cũng phải vậy và còn phải hơn nhà người khác. Phải làm ầm đùng cả xóm đều biết, đều điếc lỗ tai vậy mới oai. Mấy ai nghĩ như ngày xưa chỉ phục vụ trong khuôn viên gia đình (lối xóm muốn nghe ké thì kéo tới ngồi ngoài sân mà nghe). Phải chăng cái bịnh sính nổi danh, háo danh này đã và đang... truyền nhiễm thành dịch bịnh!

- Thử làm cuộc điều tra xã hội hội xem chủ nhà đến khách mời có mấy người ưa thích “thưởng thức” âm nhạc bằng cái âm thanh khủng đó? Sao không để chủ và khách, khách với khách là bà con xa có dịp mới gặp lại, vừa ăn uống, vừa thăm hỏi, chuyện trò, vừa nghe âm nhạc êm dịu, ngọt ngào tăng thêm tình cảm, mà “nghe nhạc” chỉ tăng thêm phiền hà, lối xóm mất ngủ, tốn thêm tiền mua thuốc chống tức ngực!

- Các ngành quản lý, các địa phương tự trói mình bằng quy định bao nhiêu đề-ci-ben! Sao không quy định bằng ý kiến người dân lối xóm, khách mời dự đám, để chủ nhà, chủ khách sạn, nhà hàng làm theo. Đơn giản là âm thanh phát ra đủ trong nhà, trong rạp, trong khán phòng cho bà con vừa nghe vừa nói chuyện với nhau. Quá phạm vi, quá mức đó là vi phạm.

Tội không ở cái giàn loa hiện đại, mà ở người sử dụng nó biết tự kiềm chế cỡ nào cho thích hợp, vừa phải. Phải nghe dư  luận xã hội. Ngặt nỗi, bà con ta còn nặng cái bịnh sợ mích lòng, mặc cảm, thôi ráng chịu mấy tiếng đồng hồ... cho nó qua, vì lâu lâu mới có một lần! Bịnh vì vậy càng lây lan cả thành thị tới nông thôn...

Tư rèn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn