Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Cập nhật ngày: 10/02/2019 04:01:29

Sáng 9/2 (Mùng 5 Tết Kỷ Hợi), tại Công viên Văn hóa Đống Đa ( quận Đống Đa, Hà Nội), Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và đón Bằng Công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt di tích Gò Đống Đa.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “Gò Đống Đa”

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Trước giờ khai hội, các đại biểu T.Ư và TP.Hà Nội đã thành kính dâng hương, dâng hoa và nghe đọc Chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tôn vinh chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải và nghĩa quân Tây Sơn trong trận chiến giải phóng kinh thành Thăng Long, giành quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ kỷ niệm

Trước đó, từ sáng sớm, các đoàn tham gia chương trình lễ kỷ niệm đã thực hiện nghi thức tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tham dự.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ôn lại chiến thắng lịch sử mùa xuân Kỷ Dậu 1789 dưới sự lãnh đạo của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cuối năm 1788, nhà Thanh đưa 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, xuất quân ra Bắc. Ngày 30 tháng Chạp, nhân lúc địch mải ăn Tết, vua Quang Trung cho các cánh quân tổng phản công. Sáng Mùng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung ra lệnh đánh đồn Ngọc Hồi, vốn có vị trí then chốt trong phòng thủ của Thăng Long. Sau khi hạ đồn Ngọc Hồi, quân Tây Sơn vào giải phóng Thăng Long trong niềm vui của mọi nhà. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Di tích Gò Đống Đa chính là biểu tượng chiến thắng đó. Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên Văn hóa Đống Đa được xây dựng tại khu vực gò Đống Đa. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22 nghìn m² bao gồm các hạng mục: Cổng, gò Đống Đa, Nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820 xếp hạng di tích lịch sử Gò Đống Đa là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là vinh dự to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô.


Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải của dân tộc

Được đón nhận vinh dự to lớn và được trực tiếp quản lý di tích lịch sử Gò Đống Đa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã tham gia tư vấn, góp ý và xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, cảm ơn nhân dân quận Đống Đa, cũng như đông đảo nhân dân cả nước đã quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, để hôm nay gò Đống Đa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân cả nước và Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, là sự nỗ lực không ngừng của tất cả chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Ngoài phần lễ, lễ hội năm nay còn có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian, viết thư pháp... Trong đó, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật ôn lại chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu của quân Tây Sơn.

CHÍ DŨNG, Ảnh: TRẦN HẢI (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn