Triển lãm Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam

Cập nhật ngày: 23/06/2014 05:13:43

Tiếp tục những hoạt động tại hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức, sáng 21-6, hàng chục học giả, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các nước Mỹ, Đức, Nga, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Australia, Italia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines…, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng hàng trăm người dân đã tham gia triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.

Triển lãm giới thiệu các văn bản Hán Nôm khẳng định các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 - 1841) đến thời Bảo Đại (1925 - 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa…


Các học giả, khách quốc tế tham quan triển lãm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được tiếp cận với phiên bản Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838)...; trưng bày các bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; các bản đồ nước ngoài và Trung Quốc về cương vực lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam, không có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đặc biệt, các đại biểu đã được tận mắt thấy được những tư liệu mới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do nhân dân cả nước hiến tặng cho nhà nước như: bản gốc giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940; hồ sơ đèn biển được Pháp xây dựng ở Hoàng Sa năm 1937; cuốn biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942 liệt kê các thông số về thời tiết do các trạm khí tượng đo được tính đến ngày 31-12-1940, trong đó có trạm số 48859 trên đảo Phú Lâm và trạm 48860 trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa; trạm số 48919 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời Pháp thuộc.

Chiều cùng ngày, các đại biểu cũng đã đến thăm, gặp gỡ các nhân chứng đi trên tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm hôm 26-5.

Với những hình ảnh xác thực được tận mắt nhìn thấy tại cuộc triển lãm cũng như những chứng tích của tàu cá ĐNa 90152 các học giả, nhà nghiên cứu càng hiểu rõ thêm về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Một số học giả cho biết sẽ có những bài viết hoặc trả lời phỏng vấn nói lên sự thật về tranh chấp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để dư luận quốc tế có cái nhìn khách quan về tranh chấp ở biển Đông nói chung và đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.

NGUYỄN HÙNG(SGGP).-



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn