Hoạt động đờn ca tài tử huyện Thanh Bình:

Từng bước có sự đổi mới

Cập nhật ngày: 20/08/2014 05:04:38

Sau khi UBND huyện Thanh Bình tổ chức hội thảo phát triển bền vững phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) huyện vào năm 2002 thì phong trào ĐCTT của huyện dần có những bước khởi sắc.

Thay vì trước đây các buổi sinh hoạt ĐCTT thường được tổ chức tại một địa điểm nhất định thì nay tại khoảng sân rộng trước nhà, điểm trường học hay trụ sở ban nhân dân ấp trên địa bàn huyện Thanh Bình. Các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT chủ yếu sinh hoạt giao lưu vào ban đêm. Anh Nguyễn Hữu Thiên - cán bộ phụ trách văn hóa văn nghệ Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Thanh Bình - thành viên CLB ĐCTT huyện Thanh Bình cho biết, sau thời gian làm đồng, cứ chập tối khoảng 19 giờ đến 21 giờ theo định kỳ hàng tuần, bà con nông dân cùng các nghệ nhân tham gia giao lưu ĐCTT góp phần xua tan mệt nhọc. Nhờ sự tích cực tham gia sinh hoạt của các nghệ nhân và nhân dân nên các CLB ĐCTT trên địa bàn huyện gần đây luôn được duy trì ổn định và hoạt động khá hiệu quả. Hiện toàn huyện có 26 CLB ấp, xã, thị trấn, 1 CLB ĐCTT huyện Thanh Bình, có CLB sinh hoạt 1 tuần 2 lần như CLB ĐCTT xã Tân Thạnh, xã Bình Thành, còn lại trung bình sinh hoạt 1 tuần/lần hoặc nửa tháng 1 lần. Đặc biệt xã cù lao Tân Bình đã thành lập được CLB ĐCTT người cao tuổi hoạt động hiệu quả. Trong quá trình sinh hoạt, có nhiều CLB ĐCTT xã thường sinh hoạt luân phiên mỗi tuần 1 ấp hoặc giao lưu với CLB ĐCTT của ấp bạn, xã bạn.


Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại Thanh Bình

Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp các nghệ nhân các CLB ĐCTT trong toàn huyện Thanh Bình cùng tham gia thể hiện khả năng đờn ca, từng bước xây dựng và phát triển phong trào ĐCTT đạt chất lượng nghệ thuật cao, hàng năm huyện đều tổ chức liên hoan các CLB ĐCTT huyện. Theo ông Trần Văn Kha - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thành Bình, Liên hoan các CLB ĐCTT huyện Thanh Bình lần thứ XIII năm 2014 sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 8/2014. Hình thức của liên hoan năm nay sẽ khác mọi năm: liên hoan sẽ tổ chức theo cụm, gồm 3 cụm: cụm vùng cù lao, cụm vùng ven và cụm vùng sâu, mỗi cụm có từ 4 đến 5 CLB tham gia. Sau khi kết thúc liên hoan các cụm, Ban Tổ chức sẽ cho công diễn, tổng kết phát thưởng tại Nhà văn hóa huyện (những năm trước đây các CLB ĐCTT phải đến Nhà Văn hóa huyện tham dự liên hoan từ khi khai mạc đến kết thúc). Việc tổ chức liên hoan theo cụm không chỉ giảm chi phí đi lại đối với các xã mà trực tiếp tuyên truyền đến nhân dân những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những giá trị lịch sử văn hóa của địa phương, phê phán các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, bổ ích cho nhân dân.

Nét mới nữa là hiện nay, huyện Thanh Bình thực hiện xã hội hóa trong ĐCTT khá hiệu quả. Yếu tố này góp phần phát triển bền vững phong trào ĐCTT địa phương. Hầu hết UBND các xã đã hỗ trợ kinh phí cho các CLB ĐCTT của địa phương mình mua dàn âm thanh, nhạc cụ cho CLB. Bên cạnh đó, các hội thi, hội diễn, liên hoan ĐCTT trong huyện, các doanh nghiệp hỗ trợ thêm một phần kinh phí để giải thưởng có giá trị cao, khích lệ được phong trào ĐCTT huyện nhà.

Do đặc biệt chú trọng đến chất lượng nghệ thuật nên những năm gần đây, các CLB trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, học hỏi, trao đổi hoạt động ĐCTT giữa các CLB ĐCTT trong huyện và các huyện bạn như Hồng Ngự, Tam Nông, Lai Vung, TP.Cao Lãnh và các CLB ngoài tỉnh thuộc 2 huyện Phú Tân, Chợ Mới (An Giang). Ngoài ra, trong năm 2014, UBND huyện Thanh Bình đã cấp kinh phí hỗ trợ 22 nghệ nhân tham gia lớp tập huấn ĐCTT do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức.

Sự đổi mới trong hoạt động ĐCTT ở huyện Thanh Bình cho thấy, đã có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo huyện, các doanh nghiệp, các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo bộ môn nghệ thuật ĐCTT, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn