Tản văn

Chuồn chuồn... tập bơi!

Cập nhật ngày: 15/07/2013 04:02:20

Đối với bọn trẻ con ở vùng quê chúng tôi, không có cái thú nào hơn là được đi tắm sông vào mùa hè!

Lũ trẻ chúng tôi trai có gái có, con nít chưa biết mắc cỡ, mạnh đứa nào đứa nấy cứ ôm thân cây chuối bơi ầm đùng cả một khúc sông. Cứ bơi lên bơi xuống, chừng nào lạnh tái xanh mặt mới chịu lên bờ. Thế nhưng đâu phải dễ dàng mà chúng tôi biết bơi, đứa nào cũng phải trải qua cho “chuồn chuồn cắn rốn” thì mới bơi được - cậu Út tôi dạy như vậy!

Cậu Út hơn chúng tôi chừng năm sáu tuổi mà cái gì cũng biết! Nhất là việc bày cho chúng tôi những trò chơi trẻ con hấp dẫn! Cậu được người lớn giao cho nhiệm vụ “quản trẻ” mỗi khi chúng tôi rồng rắn kéo nhau la cà từ đầu trên đến xóm dưới. Quản một bầy cháu đông đúc nhưng cậu Út luôn vui vẻ, mỗi lần đi chơi đứa nhỏ nhất bao giờ cũng được cậu cõng trên lưng, những đứa còn lại lóc cóc theo sau.

Chỉ mới mười mấy tuổi đầu nên cậu cũng ham chơi, có khi gặp đám “phang lon” quá gay cấn, cậu ngắt tàu lá chuối trải bên đường cho đứa nhỏ nhất ngồi trong đó, bảo chúng tôi canh chừng, rồi mải miết nhập cuộc. Khi tàn cuộc chơi quay lại thì đứa nhỏ đã ngoẹo đầu ngủ ngon lành! Những bữa như thế về bọn tôi “méc” lại thế nào cậu Út cũng bị bà ngoại rầy cho một trận. Thế nhưng không lần nào cậu giận chúng tôi cả!

Không biết cậu Út học bơi hồi nào mà “lội giỏi như rái”. Cậu có thể bơi ngang qua con sông sau nhà, leo lên bờ bên kia đứng vẫy tay, rồi phóng xuống bơi trở lại về bờ bên này. Bọn tôi phục quá, năn nỉ cậu dạy bơi. Cậu cười “Dễ ợt!”. Ăn cơm trưa xong, cậu rủ chúng tôi ra vườn chặt thân cây chuối, mỗi đứa một cây, đứa lớn cây dài, đứa bé cây ngắn. Xong cậu kêu chúng tôi tự đi bắt chuồn chuồn, mỗi đứa một con. Đứa nào bắt mãi không được cậu mới bắt dùm. Thôi thì đủ loại chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim... cả một bọc đầy.

Trời hơi ngả về chiều thì cả bọn kéo nhau ra bờ sông tập bơi. Cậu kêu chúng tôi xếp hàng, mạnh đứa nào đứa nấy tự vạch bụng ra, tay cầm con chuồn chuồn cho nó “cắn rốn” trước khi nhào xuống nước ôm thân cây chuối mà bơi. Chuồn chuồn cắn không đau, chỉ hơi ngưa ngứa, buồn buồn, có đứa mới dí đầu chuồn chuồn vào rốn đã cười ré lên vì nhột. Không đứa nào đủ kiên nhẫn cho chuồn chuồn cắn lâu vì còn nôn nóng nhảy xuống nước để bơi. Vì vậy chỉ một loáng những chú chuồn chuồn đã được “phóng sanh”, còn bọn tôi thì hí hửng quẫy đạp, la hét tưng bừng cả một khúc sông trong khi cậu Út mệt phờ vì phải bơi theo sửa nắn tư thế cho từng đứa một!

Trẻ con ở thôn quê thật cứng cáp và gan dạ. Sau khi cho chuồn chuồn “cắn rốn”, đứa nào trong bọn tôi cũng tự tin là mình đã biết bơi, mặc dù mấy đứa con gái không bao giờ dám rời vật bất ly thân là cây chuối khi bơi, nhưng tụi con trai chỉ sau dăm bữa đã biết bơi ngầm, thả bè, bơi ếch... đủ kiểu. Cậu Út lập được “công to”, được người lớn khen ngợi không ngớt!

Thật ra không biết chuồn chuồn cắn rốn có hiệu nghiệm như thế nào, nhưng nhờ nó mà chúng tôi có lòng can đảm để trải qua một thử thách lớn của thời trẻ nhỏ: tập bơi! Nhờ vậy chúng tôi mới lớn lên được giữa cuộc sống khó khăn ở vùng sông nước.

Chúng tôi bây giờ đều đã trưởng thành, cậu Út bây giờ cũng đã luống tuổi, nhưng mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về cái sự “chuồn chuồn cắn rốn” ngày xưa, đôi mắt cậu long lanh trẻ lại, còn chúng tôi thì bồi hồi luyến tiếc về những năm tháng tuổi thơ thật hồn nhiên và đẹp đẽ.

Ngọc Điệp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác