“Luật sư ” miệt vườn

Cập nhật ngày: 17/08/2019 06:01:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/2019081706031916-8_LUAT SU MIET VUON_YEN DOC.mp3

ĐTO - Nhờ có uy tín ở địa phương nên ông được xem như “luật sư” để giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, vay tiền… hoặc những vấn đề phát sinh khác xảy ra ở địa phương, góp phần làm cho tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, thắt chặt. Đó là lão nông Hồ Hữu Phước (69 tuổi, ngụ ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh) có thâm niên 15 năm gắn bó với công tác hòa giải và đã hòa giải thành hàng trăm vụ việc.

Nắng sáng vừa lên, tôi tìm đến nhà ông Phước nhưng người thân cho biết ông đã đi chợ. Tôi gọi điện thoại thì ông bắt máy, hỏi: “Ai vậy?”. Tôi trả lời: “Con có vụ này nhờ chú hòa giải giúp”. Ông tỏ ra rất nhiệt tình, nói: “Chú đợi tôi chạy xe về liền nhé”.


Ông Phước (bên phải) đến nhà người dân tìm hiểu vụ việc để hòa giải

Hòa giải thành hàng trăm vụ việc

Ông Phước vừa đi chợ về đến nhà, từ tốn pha trà mời khách rồi tiếp chuyện. Ông cho biết mình đến với công việc hòa giải vào năm 2004. Tôi hỏi: Từ lúc “hành nghề” đến nay, chú hòa giải thành được bao nhiêu vụ việc? Ông chỉ lắc đầu, nói: “Không nhớ hết đâu chú ơi! Nhiều lắm! Những năm mới bắt đầu làm công tác hòa giải, có năm giải quyết gần 30 vụ việc”. Năm 2007 được xem là năm xảy ra nhiều vụ việc nhất, bởi lúc đó xã Tịnh Thới phát triển, mở ra nhiều tuyến đường mới, người dân bắt đầu tranh chấp đất đai nhiều hơn, ông Phước cho biết thêm.

Ở địa phương có được “luật sư” nhiệt tâm như ông Phước thì mọi chuyện khiếu kiện của người dân sẽ hạn chế vượt cấp. Ông Đoàn Thanh Nhân - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Tịnh Long cho biết: “Ông Phước rất có uy tín trong xóm. Các vụ việc ông hòa giải thành đạt hơn 90%. Từng vụ việc hòa giải thành giúp cho địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tình nghĩa xóm làng thêm thắt chặt, đoàn kết với nhau”.

Gia đình ông Phước thuộc diện có kinh tế ổn định nên mỗi vụ hòa giải thành được hỗ trợ 200.000 đồng chỉ là khích lệ tinh thần, không quá quan trọng đối với ông. Điều ông quan tâm là được đóng góp công sức xây dựng địa phương. “Mỗi vụ việc khi tôi hòa giải thành, mừng như được ai đó cho tiền không bằng” - ông Phước trải lòng. Gần 70 tuổi nhưng ông Phước vẫn còn nhiệt huyết với công tác hòa giải vì mục đích hàn gắn tình làng nghĩa xóm của người dân với nhau. Thay vì nghỉ ngơi cho khỏe tấm thân, nhưng ông tâm niệm rằng: “Lãnh đạo UBND xã, ấp và bà con tín nhiệm mình thì ráng quyết tâm làm thôi! Khi nào sức khỏe tôi “hết đát” mới nghỉ làm công tác hòa giải”.

Cụ thể như trường hợp tranh chấp ranh đất của hộ ông Trần Quốc Túy với bà Võ Thị Chính. Ông Túy làm đơn gửi cho ông Phước nhờ phân xử và cắm trụ lại ranh đất với chiều dài khoảng 140m. Khi nhận đơn, ông Phước nghiên cứu nội dung vụ việc thật kỹ càng, sau đó đến từng hộ gia đình khảo sát nắm thực tế. Bước tiếp theo, ông cùng với các thành viên trong tổ hòa giải tiến hành mời 2 hộ gia đình cùng ngồi lại giải thích rõ ràng, cặn kẽ. Và, cuối cùng 2 bên thống nhất cắm lại ranh đất đúng với diện tích, không còn xảy ra mâu thuẫn, bắt tay làm hòa. Đây là một trong hàng trăm vụ việc điển hình đã được ông Phước hòa giải thành. “Ở trong xóm cũng may nhờ có chú Phước như một luật sư, khi có việc gì xảy ra thì gửi đơn nhờ phân giải, cắt nghĩa rõ ràng nên tình cảm bà con xóm giềng gắn bó lại, không còn buồn phiền mỗi khi gặp mặt nhau” - ông Trần Quốc Túy vui vẻ nói.

Lý do nào khiến ông Phước hòa giải thành nhiều vụ việc từ đơn giản đến phức tạp. Ông kể, ngày xưa ông chỉ học lớp đệ nhị (tương đương lớp 11 bây giờ), chưa học hành liên quan đến pháp luật, chỉ được tập huấn kỹ năng hòa giải và tự tìm hiểu các kiến thức có liên quan đến pháp luật. Qua nhiều vụ việc hòa giải đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm hơn. “Trước đây, có người cắt lúa mướn, khi cắt xong, chủ đất trả tiền cắt lúa 4 công đất nhưng người cắt lúa cho rằng diện tích gần 5 công nên đòi tiền 5 công. Chủ đất không đồng ý, vậy là người cắt lúa làm đơn gửi tôi nhờ giải quyết. Nhận được đơn, tôi đi khảo sát thì thấy đúng là diện tích chỉ 4 công. Qua vụ đó, tôi mới rút ra kinh nghiệm cho bản thân là người đi thưa kiện chưa chắc là đúng, người hòa giải phải đi khảo sát thực tế mới đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý” - ông Phước nhớ lại kỷ niệm trong lần hòa giải thành.


Ông Hồ Hữu Phước xem lại những lá đơn đã hòa giải thành

Các vụ việc nào hòa giải không thành, ông Phước cũng đứng ra giải thích cho người dân biết để tránh xảy ra mâu thuẫn dẫn đến vi phạm pháp luật. Đồng thời hướng dẫn người dân đến các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết theo quy định của pháp luật.

Để nắm rõ thêm thành tích cũng như đóng góp của ông Phước ở địa phương, tôi gặp ông Nguyễn Trường Hận - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thới, ông cho biết: “Gương chú Phước ở địa phương thì khỏi chê rồi! Các vụ việc tranh chấp được hòa giải thành rất cao. Ở địa phương có được người như chú Phước sẽ giúp cho bà con trong xóm hàn gắn, giữ gìn tình cảm với nhau”.

Gương tiên phong ở địa phương

Năm 2016, ông Phước là người tiên phong vận động các hộ làm vườn tham gia Đồng Tâm Hội quán và ông được bầu làm Chủ nhiệm Hội quán. Sau một thời gian “đứng mũi chịu sào”, do vấn đề về sức khỏe nên ông nghỉ làm làm Chủ nhiệm nhưng vẫn tham gia làm thành viên Hội quán. Hiện nay, ông Phước giữ chức Chủ tịch Hội Làm vườn xã Tịnh Thới, tập hợp được 230 hộ làm vườn trên địa bàn xã.

Với vai trò là người đứng đầu, ông Phước rất nhiệt tình tập hợp các thành viên ngồi lại với nhau để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ cách sản xuất nông sản sạch; phá vườn tạp để phát triển vườn trồng cây ăn trái... “Tôi đang hướng các hộ làm vườn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý theo khuyến cáo của các nhà khoa học và dần hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra nông sản sạch, xuất khẩu sang nước ngoài” - ông Phước chia sẻ.

Trước đây, khi UBND xã Tịnh Thới có chủ trương xây dựng Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, ông Phước đồng thuận giao đất và nhận tiền đền bù với giá Nhà nước đưa ra. Nhờ sự đồng thuận cao này đã giúp xã sớm đạt tiêu chí số 6 về “Cơ sở vật chất văn hóa” trong xây dựng nông thôn mới. “Lãnh đạo UBND xã vận động thu hồi đất hơn 2.000m2 theo giá đền bù của Nhà nước với mục đích xây dựng nơi họp hội thì tôi thống nhất ngay để xây dựng đảm bảo đúng tiến độ” - ông Phước cho biết.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông Phước tiên phong xây dựng hàng rào, trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan cho bộ mặt xã nông thôn mới thêm khởi sắc. Ông Nguyễn Trường Hận - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thới cho biết: “Các phong trào xã hội ở địa phương, chú Phước đi đầu tham gia và cho mượn phần sân nhà để tổ chức các cuộc hội họp, hội thảo. Chú Phước lớn tuổi, có uy tín nên vận động bà con tham gia các phong trào đều được đồng thuận cao”.

Phát huy vai trò “Tuổi cao, gương sáng” nên ngày ngày ông Phước vẫn thầm lặng làm “cầu nối” gắn kết tình làng nghĩa xóm mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn