Chuyện lớn, chuyện nhỏ
Cập nhật ngày: 14/08/2019 09:33:17
Nhận thức là khởi nguồn của hành động. Nhận thức đúng là tiền đề cho hành động đúng. Nhận thức được chuyện nào là lớn, chuyện nào là nhỏ sẽ giúp cho chúng ta có hành vi tương ứng. Việc lẫn lộn chuyện lớn, chuyện nhỏ có thể đưa đến những thiệt hại nặng nề, gây hối tiếc suốt đời, có khi bị mất quyền sống.
Nói chuyện lớn hay chuyện nhỏ là sự so sánh giữa hai hay nhiều sự vật, sự việc và cũng tùy theo quan niệm của mỗi người. Mặc dù là sản phẩm của mỗi cá nhân nhưng những chủ kiến của chúng ta được hình thành từ hệ giá trị chung của nhóm, cộng đồng nhất định. Dựa vào chuẩn mực chung, mỗi cá nhân thể hiện dấu ấn của riêng mình. Tính phong phú từ chỗ “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” nên nhận định chuyện gì lớn, chuyện gì nhỏ cũng rất đa dạng và có thể dẫn đến mâu thuẫn với nhau. Tuy việc đánh giá chuyện lớn, chuyện nhỏ quá mênh mang nhưng tạm khái quát về hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần. Có người lựa chọn sự trân trọng về lĩnh vực này hơn lĩnh vực kia. Nếu quan niệm thiên về tinh thần, cá nhân phân biệt chuyện lớn nhỏ trên trục vinh - nhục. Họ xác định: “chết vinh hơn sống nhục”, hay “rên nhục, khóc hèn, van xin yếu đuối”. Có người thì xem trọng đời sống vật chất thông qua biểu hiện coi đồng tiền là tất cả, ca ngợi đồng tiền là “tiên”. Hiện nay, hàng loạt câu vè biểu hiện trạng thái chê bai hoặc tung hô về tiền: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi thơ, là ước mơ của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là đà danh vọng, là lộng che thân, là cán cân công lý. Tiền là quý, quỳ là tiến”.
Trên nền tảng chung và khái quát một cách cụ thể ấy, sự phân biệt chuyện lớn, chuyện nhỏ lại còn ảnh hưởng bởi những nhân tố khác. Một mặt, có thể từ sự “rối loạn” về nhận thức và tính cách của cá nhân nên “việc bé xé ra to” nhằm đạt được sự thỏa mãn nào đó. Mặt khác, hành vi đột ngột ở một môi trường trong một thời điểm nhất định. Trường hợp này, chúng ta thường nghe câu giải thích: do một phút nông nổi, do thiếu kiềm chế, do... Hóa ra, việc xác định chuyện lớn, chuyện nhỏ không đơn giản chút nào. Nó phụ thuộc vào tầm nhìn, tầm văn hóa và tâm lý của mỗi cá nhân. Và vì vậy, chúng ta nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau, trái chiều hay thuận chiều trong cùng một sự vật, hiện tượng. Nhưng thường được thông qua hai luồng chính là đồng tình hoặc phản đối với mức độ ít nhiều của nó.
Hiện nay, cộng đồng xã hội quan tâm nhiều đến những hành vi bất thường từ việc không phân định được chuyện lớn, chuyện nhỏ đang xảy ra trong các phạm vi và tầng cấp độ khác nhau. Chúng ta bắt gặp và lo lắng vì nó xuất hiện với tần suất dày đặc ngay trong gia đình, hộ liền kề, trường học, nơi cư trú, chỗ làm việc. Đáng lý là một lời xin lỗi và cái bắt tay vui vẻ vì lỡ chiếu đèn vào mặt hay va quẹt khi lưu thông trên đường, thì lại chứng kiến những lời mạt sát và dẫn đến xô xát. Trong một vài trường hợp như vậy, có kẻ bị chết và có người vô tù. Chắc hẳn người đọc đã từng thấy, chỉ vì vài câu nói chê bai, khích bác hoặc xác định đúng sai trong các hoạt động vui chơi cũng có thể gây nên những sự cố rợn người. Rõ ràng, việc phân biệt chuyện lớn, chuyện nhỏ trong đời sống thường ngày, trong hoạt động xã hội là hệ trọng. Ở phạm vị quốc gia, quan niệm sự việc lớn hay nhỏ liên quan đến chiến tranh hay hòa bình, sự tồn vong của chế độ chính trị. Thù hay bạn, để hận thù kéo dài hay gác lại quá khứ chính là sự lựa chọn cực khó đối với những người đại diện cho dân. Họ sẽ có được sự lựa chọn thông minh nếu xuất phát từ đại nghiệp: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đối với mỗi cá nhân, xem việc lớn hay nhỏ quan hệ đến cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh. Nếu chúng ta biết phân định ra vài “chuyện lớn” trong đời, còn lại cho vào “chuyện nhỏ” thì sẽ dễ giải quyết, sắp xếp cuộc đời mình hơn. Trong công việc, có vài “chuyện to” về nguyên tắc, còn lại nên cho là “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên, một số hành vi xem là vụn vặt lại hóa ra lớn. Chẳng hạn, dự họp, tham gia giao thông, sinh hoạt nơi công cộng, chung sống ở cộng đồng dân cư... là vấn đề thuộc về số đông có giá trị cao quý chung. Xem ra, việc phân loại việc lớn, việc nhỏ là khó. Và cũng chính vì thế, chúng ta dễ lẫn lộn.
Khi chúng ta nghĩ đến cuộc sống đầy đủ vật chất và trí tuệ, gần gũi thiên nhiên và mọi người, cường tráng thể lực và lành mạnh tình cảm... thì sẽ xem những chuyện khác là nhỏ, ngay cả khi tiếp nhận lời nói không hay nhắm vào mình. Hầu hết những người thành công đều là những người biết làm cho điều phức tạp nhất trở thành đơn giản nhất. Mặc dù có nhiều yếu tố tạo nên chính kiến của việc nào là lớn, việc nào là nhỏ nhưng tầng sâu của nó chính là nền tảng văn hóa của xã hội và nền tảng giáo dục mà mỗi cá nhân thẩm thấu. Như vậy, từ thay đổi quan niệm chung của cộng đồng và mỗi cá nhân, chúng ta sẽ phân biệt việc gì lớn, việc gì nhỏ và từ đây, mỗi cá nhân sẽ có hành vi đúng, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, hạnh phúc.
Chuyện lớn, chuyện nhỏ sẽ còn là đề tài bàn luận của mọi người. Đồng tình hay phản đối bởi lăng kính cá nhân và quan niệm của cộng đồng. Nhưng, xã hội sẽ lành hơn nếu mọi người cân nhắc về nó trước khi hành động hoặc không hành động. Và ngày nào cũng nên tự nhủ mình: “Chuyện nhỏ là chuyện nhỏ, đừng làm nó to ra mà phiền lòng mình, gây buồn cho người khác”.
Dân Biện