Bảo hiểm xã hội tự nguyện: điểm tựa lúc về già
Cập nhật ngày: 24/05/2021 14:31:41
ĐTO - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những chính sách về an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước mong muốn mọi người dân đều tham gia. Đây là hình thức người lao động tự do có thể tích góp, đầu tư cho tương lai của bản thân đến khi hết tuổi lao động có thể nhận lương hưu hàng tháng, giảm bớt nỗi lo gánh nặng về kinh tế lúc về già và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đối tượng hưu trí để san sẻ một phần tài chính mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
Nhân viên đại lý thu Bưu điện tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nhiều năm qua, BHXH tỉnh Đồng Tháp không ngừng nỗ lực tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách an sinh xã hội, từ đó người dân tin tưởng tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện. Ngành đã thực hiện nhiều hình thức truyền thông nhằm đa dạng hóa các mô hình tuyên truyền như: phối hợp với hệ thống đại lý thu và các cấp chính quyền gửi thư mời người dân từng khóm, ấp đến buổi hội nghị tuyên truyền chính sách; chia các nhóm nhỏ từ 2 - 5 người đến trực tiếp các hộ dân trên từng địa bàn để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, các câu chuyện truyền thanh nêu ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng khi tham gia BHXH, BHYT luôn được phát sóng hàng tuần trên sóng phát thanh xã, phường, thị trấn.
Chị Trần Thị Tiền ngụ xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khi nghe loa phát thanh xã thông báo và được cán bộ tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, chị và chồng chị đã đăng ký tham gia với mức lựa chọn thu nhập 1 triệu đồng. Được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng trên chuẩn hộ nghèo nên tính ra mỗi tháng, chị đóng 205.000 đồng/người, có nhân viên đại lý thu đến tận nhà nhắc nhở và thu tiền đóng hàng tháng. Chị nói: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện là vì so với nhiều loại hình bảo hiểm thương mại khác thì mức đóng BHXH tự nguyện khá thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình tôi, lại còn là chính sách của Đảng và Nhà nước nên độ an toàn khi tham gia là rất cao. Ngoài ra, tôi còn nghĩ đến tương lai của cả 2 vợ chồng, sau này lĩnh lương hưu hàng tháng khỏi phải trông chờ vào con cháu, ốm đau bệnh tật cũng có thẻ BHYT thanh toán tiền viện phí”.
Cùng suy nghĩ với chị Tiền, anh Nguyễn Quang Ngọc ngụ tại Phường 3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thay vì lãnh BHXH một lần, anh đã tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập 8 triệu đồng, hàng tháng anh đóng 1.745.000 đồng. Tính ra mỗi ngày, anh để dành khoảng 60.000 đồng. Đến khi hết tuổi lao động và có trên 20 năm đóng BHXH, ước tính anh sẽ được lãnh lương hưu với mức 5,5 triệu đồng/tháng, được cấp thẻ BHYT và chế độ tuất. Anh cho rằng việc tham gia BHXH tự nguyện là điều đúng đắn, bởi tích góp cho tương lai để về già có thu nhập ổn định hàng tháng từ nguồn lương hưu.
Chị Trần Thị Tiền phấn khởi khi được nghe về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tính đến hết tháng 4/2021, toàn tỉnh có 18.941 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10.970 người so với cùng kỳ năm 2020. Để đạt được các kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, nhân viên của BHXH tỉnh, BHXH huyện, thị và đội ngũ nhân viên đại lý thu, cộng tác viên đã tuyên truyền chính sách đến người dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân tham gia vào chính sách an sinh xã hội. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đa dạng mô hình truyền thông, đặc biệt là tuyên truyền nhóm nhỏ, ra quân vận động từng người dân trên địa bàn để tham gia, tiến đến mục tiêu chung của ngành là BHXH, BHYT toàn dân.
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Mức đóng: Thấp nhất bằng 154.000 đồng/tháng; cao nhất bằng 6.556.000 đồng/tháng. Phương thức đóng linh hoạt, người tham gia có thể lựa chọn kỳ đóng phù hợp, có thể tạm ngừng, bảo lưu, cộng dồn thời gian đã đóng.
Lưu Anh Khoa - BHXH tỉnh