Bình Thạnh nỗ lực thực hiện công tác dân số trong tình hình mới

Cập nhật ngày: 24/03/2020 09:40:38

ĐTO - Thực hiện công tác dân số (DS) trong tình hình mới với mục tiêu ổn định mức sinh, duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng DS... để góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương. Những năm qua, xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đưa chính sách DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tới từng người dân. Nhờ vậy, công tác DS ở địa phương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.


Cán bộ xã Bình Thạnh đến tận nhà tư vấn kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân

Xã Bình Thạnh xác định công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác DS-KHHGĐ. Những nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ, tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, các nội dung về DS và phát triển như: Đề án sàng lọc trước sinh (SLTS), sàng lọc sơ sinh (SLSS), Đề án nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên... được phát trên loa đài truyền thanh xã hàng tuần.

Bên cạnh đó, các đoàn thể từ xã đến ấp còn truyền thông chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt hội viên, đoàn viên thuộc tổ chức mình, cùng với công tác tư vấn, vận động tại nhà của đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên DS đã giúp cho người dân nhận thức được lợi ích của KHHGĐ trong góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe và phát triển kinh tế gia đình.

Chị Lê Thị Hoàng – cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Bình Thạnh chia sẻ: “Tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân trong công tác DS-KHHGĐ luôn được địa phương quan tâm. Chúng tôi luôn theo dõi, nắm bắt tình hình biến động DS, tìm hiểu hoàn cảnh các gia đình nhằm có hướng tuyên truyền và hỗ trợ cho từng gia đình lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Đối với những cặp vợ chồng sinh con một bề hoặc muốn sinh thêm con do áp lực của gia đình thì chúng tôi kiên trì phân tích, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ngược lại, những cặp vợ chồng có một con nhưng dự định không sinh thêm, chúng tôi vẫn tiếp cận, vận động họ sinh đủ 2 con, góp phần vào việc ổn định mức sinh thay thế. Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, nhận thức của người dân ở địa phương về DS, SKSS, KHHGĐ ngày càng được nâng lên và mô hình gia đình có 2 con được đông đảo nhân dân chấp nhận”.

Đến nay, toàn xã Bình Thạnh có 735 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt trên 108% kế hoạch. So với năm 2018, năm 2019 tỷ suất giảm sinh hơn 10%, giảm gần 0,3%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 3,9%, giảm hơn 0,3%; các chỉ tiêu dịch vụ đều đạt và vượt kế hoạch; đặc biệt, tỷ lệ SLTS đạt gần 60%, tăng 15% và tỷ lệ SLSS đạt 55%, tăng 10%.

Luôn quan tâm và đặt sức khỏe của con lên hàng đầu, chị Võ Thị Trang (SN 1990, ở ấp Bình Mỹ B) đang mang thai tháng thứ 6, chia sẻ: “Đây là lần mang bầu thứ 2 của tôi, bé đầu đã được 3 tuổi. Trong 2 lần mang bầu, khi đến tuần thứ 11, tôi đều thực hiện SLTS, tuy nhiên lần mang bầu trước tôi không có thực hiện lấy máu gót chân cho bé sau khi sinh vì sợ bé đau và ảnh hưởng tới sức khỏe. Từ lúc mang bầu đứa thứ 2, trong những lần đi khám thai tại trạm y tế, cán bộ ở đây cũng đã tư vấn cho tôi việc lấy máu gót chân cho bé để sàng lọc một số bệnh tật. Qua đó, tôi thấy việc sàng lọc này rất cần thiết và hữu ích, nếu không may con mình mắc phải bệnh thì sẽ kịp thời điều trị, đảm bảo cho sự phát triển sau này của con. Vì vậy lần này nhất định sẽ thực hiện cho bé”.

Nói về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ và dừng lại ở 2 con, chị Lê Thị Năm (SN 1991, ở ấp Bình Tân), đã có 2 con trai cho biết: “Lợi ích của thực hiện KHHGĐ là giữ gìn sức khỏe ,nét đẹp của người phụ nữ và có thời gian làm ăn phát triển kinh tế. Vợ chồng tôi không quan trọng việc sinh con trai hay con gái, trai hay gái gì cũng dừng ở 2 con để có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học. Tôi nghĩ dừng lại ở 2 con, khi con lớn, tôi có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và điều cơ bản nữa là giúp gia đình, vợ chồng hạnh phúc hơn”.

Những nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ của xã Bình Thạnh đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2019 xuống còn 1,72%. Chị Lê Thị Hoàng - cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Bình Thạnh cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ nỗ lực chuyển tải thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con”; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục từ chính sách DS-KHHGĐ, chuyển mạnh sang chính sách DS và phát triển. Đồng thời tuyên truyền nói không với việc lựa chọn giới tính thai nhi; hình thành kiến thức và kỹ năng về DS, SKSS đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi...”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn