Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 24/02/2020 11:05:05
ĐTO - Nhằm chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) bùng phát trở lại trên đàn gia cầm và nguy cơ lây sang người, nhất là không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” trong thời điểm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (Covid-19) gây ra, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Đồng Tháp xung quanh vấn đề trên.
Phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cúm và vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho gia cầm
Phóng viên (P.V): Ông có thể cho biết các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến xuất hiện dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta? Một số phương án chủ động ứng phó của ngành nông nghiệp về vấn đề này?
Ông Nguyễn Phước Thiện (N.P.T.): Nhìn chung, việc vận chuyển, mua bán gia cầm trong, sau Tết Nguyên đán và dịp Lễ hội Xuân tăng cao, kèm theo đó hiện nay thời tiết thường chuyển lạnh vào lúc sáng sớm; vịt chạy đồng từ các tỉnh khác đang về nhiều (hiện đang là mùa thu hoạch lúa) nên nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống bệnh và văn bản chỉ đạo, cụ thể: Kế hoạch số 227 của UBND tỉnh Đồng Tháp về phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025; Kế hoạch số 08 của Sở NN&PTNT tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2020; phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1/2020 trên toàn tỉnh từ ngày 1 - 29/2/2020...
P.V: Thưa ông, tỉnh Đồng Tháp ngoài các khu vực cửa khẩu Quốc tế còn là nơi giao thương với các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long. Việc vận chuyển gia cầm sẽ diễn ra thường xuyên, như vậy công tác kiểm soát và xử lý ngăn chặn dịch bệnh sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông N.P.T.: Xung quanh vấn đề trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban Chỉ đạo 389, UBND các xã biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới. Phân công các cán bộ thú y trực 24/24 tại các Trạm Kiểm dịch để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm đang chạy đồng về địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
P.V: Ông cho biết rõ hơn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây truyền sang người? Người dân nói chung và người chăn nuôi gia cầm nói riêng cần làm gì để phòng, chống dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1)?
Ông N.P.T.: Người dân nói chung và người chăn nuôi gia cầm cần thực hiện các biện pháp sau: chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm chu đáo nhằm tăng sức đề kháng cho gia cầm chống chịu được các yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cúm và các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cho gia cầm. Thực hiện nghiêm việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ (ít nhất 2 lần/tuần). Đồng thời áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: không cho người lạ, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; phải trang bị bảo hộ lao động khi tiếp xúc với gia cầm (mang găng tay, khẩu trang, ủng…) vừa bảo vệ cho mình và cho gia cầm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng các thiết bị chăn nuôi; che chắn chuồng trại kỹ lưỡng không để chim, chuột và các loài vật khác như chó, mèo tiếp xúc với gia cầm.
Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng chết bất thường người chăn nuôi cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y, cơ quan thú y gần nhất để được kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời. Người dân không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ, gia cầm bệnh, chết. Luôn chọn mua gia cầm, sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc đã được kiểm dịch của cơ quan thú y và luôn nấu chín kỹ sản phẩm gia cầm trước khi sử dụng.
P.V: Xin cảm ơn ông.
DŨNG CHINH (Thực hiện)