Chủ động thích ứng với già hóa dân số
Cập nhật ngày: 12/11/2019 05:03:56
ĐTO - Hiện nay, dân số tỉnh Đồng Tháp xấp xỉ 1,9 triệu dân, trong đó người cao tuổi (NCT) chiếm khoảng 12,3% số dân. Thực tế này cho thấy, Đồng Tháp đang bước vào giai đoạn già hóa dân số (GHDS). GHDS đang đặt ra những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) và an sinh xã hội dành cho NCT. Đây là một trong những thách thức lớn của tỉnh cần phải chủ động thích ứng trong thời gian tới.
Năm 2018 người cao tuổi ở Đồng Tháp chiếm trên 12,3%
ng Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, giai đoạn GHDS là khi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% đến dưới 20% tổng số dân. Như vậy, Đồng Tháp đã chính thức bước vào giai đoạn GHDS vào năm 2012 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm 10,2%/tổng dân số, tăng lên 12,3% vào năm 2018. Với tỷ lệ gia tăng này, dự báo trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ là địa phương có tốc độ GHDS nhanh hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
GHDS, tỷ lệ NCT tăng là một thành tựu xã hội to lớn. GHDS mang lại nhiều cơ hội, trong đó vai trò NCT là vốn quý, là kho kinh nghiệm sống cần được phát huy. NCT đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Cho dù NCT chỉ hỗ trợ hay tham gia gián tiếp vào các hoạt động kinh tế, họ vẫn có những đóng góp to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tốc độ GHDS nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, tỷ lệ NCT tăng sẽ tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. NCT thường phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn của bệnh tật và nghèo đói. Cụ thể ở Đồng Tháp, NCT chiếm tỷ lệ trên 12,3% dân số nhưng phần lớn NCT có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu, người thân. Số NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều NCT sức khỏe kém vẫn phải tự lao động, kiếm sống hàng ngày. Đời sống của NCT nhìn chung còn rất khó khăn, nhất là NCT ở vùng nông thôn.
Thực tế trên cho thấy, nhu cầu cần được chăm sóc, hỗ trợ của NCT hiện tại cũng như trong tương lai ngày càng lớn. Nếu không có sự đầu tư cho hệ thống CSSK NCT ngay từ bây giờ, vấn đề GHDS sẽ là gánh nặng cho kinh tế và xã hội trong giai đoạn sắp tới. Nhận thấy được điều này, Đồng Tháp cũng đã xây dựng kế hoạch CSSK NCT nhằm thích ứng với giai đoạn GHDS. Và đây là một trong những nội dung được chú trọng trong thời gian qua.
Theo ông Lê Văn Hùng, đối với ngành dân số, hàng năm đều lên kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác quản lý và truyền thông về CSSK NCT như tổ chức hội thảo, tọa đàm,... về CSSK NCT tại gia đình và cộng đồng; phối hợp Hội NCT tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục cho thành viên, hội viên NCT và Câu lạc bộ Liên thế hệ kiến thức, kỹ năng CSSK. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên y tế ở cơ sở còn tới tận các gia đình phát tờ rơi, tư vấn, tuyên truyền, cập nhật và quản lý đầy đủ, kịp thời thực trạng, kết quả hồ sơ quản lý, khám sức khỏe của NCT trên địa bàn.
Về phía ngành y tế, thực hiện công tác này, Sở Y tế cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch CSSK NCT giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của NCT, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế CSSK, phòng bệnh và khám bệnh cho NCT, đặc biệt quan tâm chữa bệnh cho NCT cô đơn, NCT bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế cũng đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện: đa khoa, chuyên khoa, y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh. Bên cạnh đó, trạm y tế sẽ cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Y tế khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ CSSK tại nhà cho NCT...
Ông Lê Văn Hùng chia sẻ, đây chỉ là những bước khởi đầu cho việc thích ứng với tình hình GHDS trong lĩnh vực CSSK NCT. Hiện tại, hệ thống CSSK NCT trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Để NCT nhận được sự quan tâm, chăm sóc của xã hội, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành để xây dựng và ngày một hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội như: hệ thống y tế lão khoa, hệ thống nhà dưỡng lão, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của NCT tỉnh nhà.
BÍCH LIỄU