Chuyện về người đàn ông gần 20 năm trồng tre, giữ cò
Cập nhật ngày: 07/02/2019 05:33:37
ĐTO - Gần 20 năm qua, ở vùng đất biên giới thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng có một người đàn ông âm thầm trồng tre, giữ cò.
Khu vườn của ông Lê Thanh Nghĩa có trên 5.000 bụi tre các loại
Tre là niềm đam mê
Qua bạn bè, chúng tôi nghe nói về một người có niềm đam mê các loài tre và trồng tre “làm nhà” cho cò. Không khỏi tò mò, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Thanh Nghĩa - chủ vườn tre.
Qua trò chuyện được biết, ông Nghĩa sinh ra tại Campuchia, về sống tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lúc 9 tuổi. Năm 1979, ông nhập ngũ rồi phục vụ lâu dài tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp (từng phụ trách phiên dịch, thông dịch tiếng Campuchia). Đến tháng 12/2017, ông nghỉ hưu với cấp bậc Thiếu tá.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã mê các giống tre, thích màu xanh của lá tre. Trong quá trình còn công tác, tôi có dịp đến Lào, Thái Lan, Campuchia... Khi thấy giống tre lạ là xin hoặc mua về trồng”.
Nghe những bậc cao niên ở địa phương kể lại rằng, trước đây xã Tân Hộ Cơ có khu đất cao mang tên Gò Nổi, tre gai mọc nhiều nên chim, cò về trú ngụ rất đông. Qua thời gian, rừng tre gai rợp bóng cò năm xưa đã không còn. Với tình yêu đặc biệt với những cây tre và muốn tái hiện lại hình ảnh trong quá khứ, hơn 20 năm trước, ông Nghĩa mua 5ha đất thuộc khu vực Gò Nổi - nơi mà khi đó điều kiện sống còn khó khăn, thiếu thốn.
“Lúc tôi mua đất, rừng tre đã được người ta khai phá, trồng màu. Năm 1998, tôi thuê kobe đào ao, nuôi cá; trên bờ thì trồng tre. 4 năm đầu, ngoài tre gai truyền thống của địa phương thì những giống tre khác rất khó phát triển ở đất Gò Nổi. Tôi quyết tâm học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc các giống tre mới lạ. Dần dần “tay nghề” nâng lên, thực hiện thành công việc nhân giống tre bằng phương pháp chiết cành” - ông Nghĩa kể.
Mỗi lúc rảnh rỗi, ông Nghĩa đều dành thời gian chăm sóc vườn tre. Ông sẵn sàng chi nhiều tiền để mua giống tre mới. Ông Nghĩa vừa mua từ Malaysia giống tre khổng lồ. Mỗi nhánh tre giống nhỏ xíu có giá tới 2,5 triệu đồng và ông đã mua 10 nhánh.
Bà Phùng Hoàng Vân (vợ ông Nghĩa) chia sẻ: “Phải đầu tư khá nhiều tiền mới có được vườn tre như hiện tại. Chồng tôi rất đam mê tre nên dù tốn kém, tôi cũng ủng hộ”. Sau gần 20 năm gây dựng, mảnh vườn rộng 5ha của ông Nghĩa có hàng chục loại tre, trúc như điền trúc, lục trúc, mạnh tông ta, tre tàu xanh, tầm vong nứa, tầm vong cườm, tre mỡ, tre xiêm, tre gai, tre lục bình... Trong đó, nhiều giống tre có nguồn gốc “ngoại quốc” như: tre ngọt Thái Lan, tre khổng lồ Malaysia, mạnh tông Campuchia; mạnh tông Thái...
Quyết tâm giữ cò
Từ những năm đầu trồng tre, nhiều loài cò đã về trú ngụ và được ông Nghĩa bảo vệ nghiêm ngặt. Vườn tre của ông dần phát triển, trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho chim, cò. Không nhớ từ khi nào, việc đi tuần tra đêm để ngăn chặn người săn bắn trộm cò đã trở thành việc làm thường xuyên của vợ chồng ông Nghĩa. Vì mảnh vườn rộng tới 5ha, vợ chồng ông trông nom không xuể nên có lúc phải thuê thêm nhân công canh gác, nhất là vào ban đêm. Ngoài ra, ông nuôi gần 10 chú chó để cùng canh giữ vườn cò. Thỉnh thoảng, ông Nghĩa còn mua cá thả vào ao để vừa làm thức ăn cho gia đình, vừa tiếp tế “lương thực” cho cò. “Đất lành, chim đậu” nên chim, cò kéo về vườn ông Nghĩa ngày càng đông.
Vào một buổi chiều, khi mặt trời vừa lặng, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng cảnh tượng đàn cò trắng lũ lượt bay về tá túc trong “rừng” tre của ông chủ tốt bụng. Không đếm nỗi có bao nhiêu con, chỉ biết là rất rất nhiều. Đàn cò bay rợp cả bầu trời, kèm theo những âm thanh như một dàn đồng ca. Sự ồn ào, náo nhiệt đó diễn ra chưa tới 60 phút rồi trả lại không gian tĩnh mịch cho màn đêm. Đó cũng là lúc đàn cò đã ổn định chỗ ngủ và nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn ở đồng xa. Anh Trần Thế Dương - người dân ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ cho biết: “Cò đã về ở trong vườn tre của ông Chín Nghĩa từ nhiều năm nay. Ông bảo vệ, không cho ai săn bắn và tạo môi trường sống tốt nhằm giữ chân nó. Sáng sớm và chiều tối, đàn cò bay trắng cả bầu trời, nhìn rất đẹp”.
Sau hàng chục năm trồng tre và bảo vệ cò, hiện vườn tre của ông Nghĩa là nơi trú ngụ an toàn của nhiều loài cò và “bạn” của cò như cò trắng, cò ráng (cò lửa), cò trâu, cò ma, cò quắm, cồng cộc, nhan điển, vạc chân lùn, vạc chân cao, bìm bịp, tu hú, quốc, bồng bồng... nhưng chiếm đa số là cò trắng.
Chạng vạng tối, cò về đậu trắng khu vườn
Ấp ủ ý tưởng làm du lịch
Trồng tre, giữ cò không chỉ để thỏa niềm đam mê mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên. Ông Nghĩa cũng muốn chia sẻ đam mê của bản thân với mọi người. Những năm gần đây, ông ấp ủ ý tưởng về một khu du lịch sinh thái với đặc trưng là tre và cò ở khu vực gần Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi sẽ cải tạo, làm nơi cò có thể kiếm ăn, sinh sản; xây dựng một số hạng mục và khoanh vùng để phục vụ khách du lịch ngắm chim, cò. Đồng thời, du khách được giới thiệu về những giống tre; thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước Nam bộ; xem lại những vật dụng một thời gắn bó với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân địa phương như chiếc nọc cấy lúa, cối đá, đèn dầu...
Ông Nghĩa rất mong kế hoạch của mình sớm thành hiện thực. Song, khó khăn lớn nhất đối với ông lúc này là kinh phí đầu tư. Việc xây dựng những công trình đường nội bộ, đài quan sát, cải tạo các ao nước, sưu tầm vật dụng đặc trưng của văn hóa Nam bộ... có chi phí không hề nhỏ. Do vậy, ông rất cần sự tiếp sức từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để một khu du lịch sinh thái giáp biên giới sớm hình thành. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu UBND huyện có những chính sách hỗ trợ để mô hình trồng tre, giữ cò của ông Lê Thanh Nghĩa phát triển trong tương lai về bảo vệ động vật hoang dã cũng như du lịch.
Đối với ông Lê Thanh Nghĩa, vườn tre và đàn cò là tài sản lớn nhất, quý giá nhất. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để đàn cò có nơi trú ngụ và sinh sản an toàn. “Nếu có làm du lịch thì phải đảm bảo hài hòa với việc bảo vệ vườn cò; không vì lợi ích kinh tế mà làm ảnh hưởng môi trường sống của chúng” - ông Nghĩa khẳng định.
“Thời điểm ngắm đàn cò lý tưởng nhất là khoảng 5 giờ 30 phút - 6 giờ 30 phút (lúc cò đi tìm mồi) và 17 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút (lúc cò về ngủ). Tôi thích sống gần gũi với thiên nhiên, yêu những loài động vật hoang dã, nhất là chim, cò. Đàn cò gắn bó với tôi đã lâu nên xem chúng như những người bạn. Hàng ngày, được xem chúng bay đi, bay về và nghe chúng kêu là niềm vui đối với tôi” - ông Nghĩa bộc bạch.
|
Nhựt An