Công tác xã hội trong bệnh viện - Một mô hình nhân dân
Cập nhật ngày: 23/03/2017 11:00:39
ĐTO - Thời gian qua, nhiều phòng, tổ công tác xã hội (CTXH) trong các bệnh viện trên địa bàn tỉnh được thành lập theo Thông tư 43 của Bộ Y tế. Các tổ còn đứng ra vận động, làm cầu nối giữa bệnh nhân và các nhà hảo tâm, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất, giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bệnh nhân được hỗ trợ suất ăn dinh dưỡng miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc
Cầu nối bệnh viện - bệnh nhân - xã hội
Tổ CTXH của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (thành lập vào tháng 8/2014), đã phát huy được vai trò “Cầu nối bệnh viện - bệnh nhân - xã hội”. Hiện tổ có 27 thành viên, rải đều ở tất cả các phòng, khoa của bệnh viện và là điều dưỡng trưởng hoặc bác sĩ (ở các khoa bệnh nặng). Phần lớn các thành viên của tổ đều là kiêm nhiệm nhưng ngoài công tác chuyên môn, họ vẫn tranh thủ làm tốt vai trò thành viên của tổ CTXH. Hàng ngày, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân, họ kết hợp thăm hỏi người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh của người bệnh, xác định mức độ để có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện. Điều dưỡng Trần Thị Hoa (Tổ phó Tổ CTXH Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) cho biết: Trong năm 2016, tổ đã vận động kinh phí để hỗ trợ trên 900 trường hợp bệnh nhân nghèo chi phí tiền ăn, tiền xe, phí điều trị bệnh; hỗ trợ phí sinh hoạt, miễn, giảm viện phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn (không thuộc đối tượng nghèo) với số tiền trên 500 triệu đồng,... Đặc biệt, tổ đã tiếp nhận và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; liên hệ về địa phương 46 trường hợp người bệnh không có thân nhân để địa phương phối hợp với bệnh viện giúp đỡ, tạo điều kiện cho bệnh nhân được điều trị bệnh tại bệnh viện và tạo việc làm, chỗ ở cho bệnh nhân khi xuất viện. Điều đáng trân trọng là tổ đã đứng ra vận động tiền mua hòm và hỏa táng cho một bệnh nhân đột tử vì nghiện rượu, không có thân nhân tại bệnh viện.
Phòng CTXH ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cũng là một trong những địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn dù phòng chỉ mới đi vào hoạt động chưa đầy năm. Ngoài 6 thành viên của phòng thì đội ngũ mạng lưới cộng tác viên đã được xây dựng ở hầu hết các phòng, khoa của bệnh viện. Khi người bệnh đến khám hoặc điều trị có gặp sự cố hoặc gặp khó khăn, sẽ được các cộng tác viên kịp thời thông tin về phòng để có hướng hỗ trợ.
Nổi bật, với chủ đề: “Đồng hành cùng người bệnh”, từ cuối tháng 2/2017, Phòng CTXH của bệnh viện đã tích cực vận động Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May hỗ trợ kinh phí tổ chức suất ăn dinh dưỡng miễn phí dành cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo (từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần), bình quân mỗi ngày có từ 25 - 35 suất. Nhờ có suất ăn miễn phí này mà nhiều bệnh nhân chạy thận đã an tâm hơn trong điều trị. Chị Phan Thị Mỹ ngụ xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết, trước kia khi Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc chưa có khu chạy thận nhân tạo thì việc điều trị cho mẹ chồng của chị khá tốn kém và vất vả vì chi phí điều trị, đi lại rất cao. Từ khi khu chạy thận đi vào hoạt động và có thêm suất cơm miễn phí thì việc điều trị bệnh của mẹ chồng của chị cũng đỡ vất vả hơn.
Bác sĩ Châu Văn Nga - Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cho biết, trong năm qua, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 24 bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền hàng chục triệu đồng, các hoạt động xã hội hỗ trợ cho bệnh nhân được thực hiện nhiều hơn, sức lan tỏa cũng mạnh hơn. Nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã tìm đến để chung tay cùng bệnh viện lo cho người bệnh. Đặc biệt là thông qua phòng đã giúp cho lãnh đạo bệnh viện kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bệnh cũng như cung cách phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ để kịp thời chấn chỉnh.
Cần sự đồng hành
Dù mô hình phòng, tổ CTXH bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng theo chia sẻ từ các tổ chức này cho thấy, nguồn lực cho CTXH ở các bệnh viện vẫn còn giới hạn, trong khi nhu cầu cần được giúp đỡ của bệnh nhân thì nhiều. Cô Trần Thị Hoa (Tổ phó Tổ CTXH Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) cho biết: CTXH trong bệnh viện tương đối mới nên chưa được nhiều người quan tâm và biết đến. Nguồn hỗ trợ bệnh nhân chủ yếu của bệnh viện hiện nay là sự đóng góp của cán bộ, nhân viên bệnh viện và những bệnh nhân có điều kiện, khá giả. Vì vậy, có những trường hợp bệnh nhân khó khăn chưa được hỗ trợ đúng mức và kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các địa phương với các tổ CTXH bệnh viện chưa được chặt chẽ. Hầu như, ở các địa phương chưa có cán bộ, cộng tác viên CTXH nên khi tổ CTXH bệnh viện liên hệ về các địa phương để nhờ hỗ trợ xác minh nhân thân, tìm thân nhân cho bệnh nhân còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc trợ giúp bị chậm trễ, hỗ trợ không đến nơi đến chốn, thậm chí có những trường hợp không thể đưa ra phương án hỗ trợ.
Phụ trách CTXH, có nhiều thời gian gần gũi, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Ngọc Điểm (cán bộ CTXH Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) chia sẻ: “Ở bệnh viện, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi đau, sự bất hạnh của những người không may gặp bạo bệnh mà nhất là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Chắc rằng khi đó, ngoài sự động viên về tinh thần của người thân, họ rất cần sự trợ giúp về mặt vật chất của những người may mắn hơn. Chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,... đặc biệt các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương hãy chung tay phối hợp, đồng hành cùng các phòng, tổ CTXH bệnh viện, để nơi đây thật sự là nơi chia sẻ nỗi đau, khó khăn cho người bệnh”.
BÍCH LIỄU - THANH NGHĨA