Đảm bảo an toàn sử dụng điện trong sản xuất hộ gia đình
Cập nhật ngày: 23/06/2017 11:21:45
ĐTO - Thời gian gần đây xảy ra một số vụ vi phạm an toàn lưới điện trong sản xuất, chăn nuôi gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, việc bảo vệ an toàn lưới điện cho người dân trong sản xuất, chăn nuôi rất cần sự phối hợp hiệu quả hơn của các địa phương, các ngành và người dân. Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có dịp trao đổi với ông Lê Văn Chí Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp xoay quanh vấn đề này.
Ông Lê Văn Chí – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp. Ảnh: H.MINH
Phóng viên (PV): Thưa ông, lâu nay, việc giăng mắc điện để sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi của những hộ dân, nhất là khu vực nông thôn có được thông qua ngành điện hay quản lý của địa phương?
Ông Lê Văn Chí (L.V.C.): Hiện nay, việc giăng mắc điện để sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi phía sau điện kế thuộc trách nhiệm quản lý của những hộ dân, nhất là khu vực nông thôn, phần lớn là do người dân tự thực hiện thêm khi phát sinh nhu cầu sử dụng, không thông qua Điện lực và địa phương nên chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định.
Hàng năm, ngành Điện và chính quyền địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đường dây dẫn điện phía sau điện kế, đồng thời kiến nghị người dân khắc phục các tình trạng mất an toàn nhằm đề phòng xảy ra tai nạn điện. Tuy nhiên do tốn chi phí thực hiện cải tạo, sửa chữa lưới điện này nên một bộ phận người dân vẫn chưa khắc phục triệt để.
PV: Xin ông cho biết, việc tự ý giăng mắc điện như vậy có thể xảy ra những mối nguy hại như thế nào?
Ông L.V.C.: Việc tự ý giăng mắc điện sau điện kế của người dân có những mối nguy hiểm đe dọa. Cụ thể như nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện. Ngoài ra, dây dẫn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn cũng là mối nguy hại luôn rình rập.
PV: Ngành Điện có những khuyến cáo gì đối với người dân trong việc sử dụng điện an toàn?
Ông L.V.C.: Để đảm bảo an toàn, đề phòng xảy ra các vụ tai nạn, ngành Điện lực Đồng Tháp đã có nhiều khuyến cáo và tuyên truyền về giăng mắc điện để sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi thực hiện đúng các yêu cầu. Theo đó, người dân phải dùng cột bêtông vuông hoặc cột gỗ được xử lý chống mối mọt, đường kính ngọn cột tối thiểu là 80mm (0.8 tấc), cột phải chôn chắc chắn và có độ cao > 5m tính từ mặt đất; sử dụng sứ cách điện là sứ đứng hoặc sứ ống chỉ để đỡ, néo dây dẫn. Ngoài ra, người dân nên sử dụng dây dẫn là dây bọc cách điện, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng tối thiểu không nhỏ hơn 2,5mm2.
PV: Ngành Điện có những kế hoạch gì nhằm kiểm tra, hướng dẫn người dân kiến thức để đảm bảo an toàn điện trong sản xuất hộ gia đình?
Ông L.V.C.: Để đảm bảo an toàn trong sản xuất tại hộ gia đình, trong thời gian tới, ngành điện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp sử dụng điện an toàn đến người dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp Hội Nông dân tỉnh và các địa phương tuyên truyền đến các hội viên nông dân, các Hội quán...
Bên cạnh đó, ngành Điện lực tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án An toàn điện tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020, thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn các hệ thống điện như: đường dây hạ thế sau điện kế, đường dây từ nhà kéo ra ngoài để phục vụ chiếu sáng, chăn nuôi, trồng trọt...
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình, đề nghị khách hàng cải tạo, sửa chữa các hệ thống điện không đảm bảo an toàn theo đúng quy định. Mọi thắc mắc xin liên hệ Điện lực địa phương hoặc số điện thoại 19001006 - Trung tâm chăm sóc khách hàng để được giải đáp, hướng dẫn.
P.V: Xin cảm ơn ông
Hoài Minh