Đảm bảo an toàn tại các bến khách, bến phà ngang sông

Cập nhật ngày: 26/03/2017 06:40:26

ĐTO - Đảm bảo an toàn trên lĩnh vực đường thủy nội địa, Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh triển khai các giải pháp phối hợp để kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy; sắp xếp hoạt động bến phà, bến khách đang hoạt động tại các địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Một số bến phà đang được sắp xếp lại theo Thông tư số 22 của Bộ Giao thông Vận tải

Ban ATGT tỉnh phối hợp đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông tại TX.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh và các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Châu Thành, Lai Vung. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện công tác đấu giá trích để đầu tư xây dựng các hạng mục của một số bến chưa được một số chủ bến quan tâm, nhiều hạng mục chưa đảm bảo điều kiện để cấp phép theo quy định, đặc biệt là vị trí quay đầu xe ô tô tải và ô tô khách. Một số chủ khai thác bến khách ngang sông còn khai thác phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm đúng công năng; không có phương án điều hành hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn,... Khắc phục tình trạng này, Ban ATGT tỉnh đã có đề nghị đối với địa phương hoàn chỉnh thủ tục xin phép, nâng cấp vận hành bến khách ngang sông, giấy phép hoạt động bến; thống nhất về phương án điều hành, giá cước vận tải, mức thu phí cụ thể phân theo tải trọng xe ô tô (ôtô tải và ôtô khách) để đảm bảo tính đồng bộ; một số bến phà tại TX.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự cần được địa phương đầu tư đường dẫn lên xuống, vị trí quay đầu xe ô tô.

Ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở hoạt động tại các bến khách, công tác quản lý các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy cũng được kiểm tra. Hiện nay toàn tỉnh có trên 106 cơ sở đang hoạt động, chủ yếu tập trung ở các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh... Đa số các cơ sở đang hoạt động nhưng không xin giấy phép kinh doanh theo ngành nghề; các cơ sở thường đóng phương tiện theo kinh nghiệm dân gian, không hợp quy chuẩn, rất khó cho chủ phương tiện trong công tác đăng ký, đăng kiểm để đưa phương tiện vào hoạt động; một vài trường hợp chủ phương tiện thuê các cơ sở hoặc thợ về nhà đóng mới phương tiện nên rất khó trong công tác quản lý... Cảnh sát đường thủy, Ban ATGT tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố còn thực hiện công tác tuần tra xử lý vi phạm. Trong quý I/2017, cán bộ, chiến sỹ đã tuần tra kiểm soát được 1.410 ca, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính hơn 1.000 trường hợp, xử lý vi phạm với số tiền gần 3 tỷ đồng. Tại huyện Cao Lãnh, Công an huyện phối hợp Ban ATGT tổ chức kiểm tra tại các bến ngang sông, nhắc nhở hơn 40 phương tiện viết cam kết chấp hành nghiêm quy định về ATGT đường thủy.

So với lĩnh vực đường bộ, đường thủy ít xảy ra TNGT, tuy nhiên khi xảy ra tai nạn thường thiệt hại lớn về tài sản. Chính vì vậy, năm 2017, Ban ATGT tỉnh cùng các địa phương tập trung thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATGT tại các bến phà, bến khách ngang sông Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải đang dự thảo quy chế phối hợp để Phòng Quản lý vận tải, Ban Đăng kiểm, Thanh tra Sở, Phòng Kinh tế hạ tầng, Quản lý đô thị các huyện, thị xã, thành phố về quản lý cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa; quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý các cơ sở;...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn