Đầu năm nói chuyện rượu

Cập nhật ngày: 08/01/2020 09:03:42

Từ ngày 1/1/2020, Luật về cấm người lái xe – cả xe đạp mà có nồng độ cồn. Bà con và Tư tôi đều nhiệt liệt tán thành. Song Tư tôi nghĩ đó chỉ là giải quyết phần ngọn, chưa chặt được ở gốc.

Chúng ta biết rượu có từ lâu đời, được người dùng cần có trong việc lễ nghĩa, chuyện vận động bỏ rượu là không tưởng, mà có thể làm được là hạn chế nó. Cái gốc chính là tập quán, thói quen, mà ta biết rằng sửa đổi tập quán, thói quen lạc hậu cũ, tạo tập quán, thói quen mới tiến bộ là việc phải kiên trì, quyết tâm, nhiều lần, trầy vi tróc vảy, liên tục trong nhiều năm mới thay đổi được. Không thể dễ ăn, một lần là được! Đó là cái gốc lớn.

Chỗ Tư tôi muốn cần có giải pháp để xử lý đó là nơi bày ra uống rượu. Trừ mấy vị ghiền ngày nào cũng phải uống, dù chỉ uống một mình, thậm chí không cần mồi, chỉ trái mận, trái cóc là được. Phần đông còn lại là nơi có đám tiệc, chủ nhà có mời khách. Rượu rót cúng ông bà tổ tiên, sau đó mời nhập tiệc. Đám có thể là đám giỗ, đám cưới, đầy tháng, thôi nôi..., gặp lại người thân, bạn bè, mừng nhà mới, mừng con đỗ đạt..., không thể kể hết danh mục sự việc để bày ra mời rượu. Chủ xị (chủ nhà) mua rượu đế hay bia đãi khách. Ít rượu bia sợ bị khách chê là hà tiện, nhứt là khi khách nói khích: “Nhà nghèo thì lấy tiền tôi nè đi mua thêm rượu”. Khách mời, mới vô thì than tôi đau bao tử, tôi có bệnh gan... nhưng vô vài ly hừng hừng thì mạnh miệng hô “không say không về!”. Tư tôi nghĩ cả hai phía chủ, khách đều phải tự kiềm chế: Đãi rượu ít thôi! Uống rượu ít thôi! Không ép, không khích bát, không tự ái khi bị nói khích. Người đãi ít rượu thì khách không say. Người uống ít rượu thì cũng không say. Hai bên đều đẹp. Chuyện đó nói nghe dễ mà thật khó vô cùng. Tất nhiên khó không có nghĩa không làm được.

Chuyện có nồng độ cồn mà lái xe thì bị phạt, đó là cần làm. Song không xử lý nơi bày ra tiệc có rượu là chưa ổn. Cảnh sát giao thông cứ đứng ở cổng nơi có tiệc mà xét độ cồn thì chắc như ghịch. Ở thành thị còn có tắc-xi, có xe ôm... chớ ở nông thôn làm gì có. Xỉn rồi vẫn vô tư leo lên xe máy chạy về nhà. Cảnh sát giao thông làm sao đủ người có mặt ở những điểm nóng này. Vì vậy, cần tuyên truyền rộng rãi đến mọi nhà, mọi người để từng người tự giác, tự thay đổi tập quán, thói quen có tiệc thì phải nhiều rượu và khách thấy ít rượu là không phê!

Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi trở lại việc rượu chỉ là lễ, là nghĩa mà thôi. Nam mới thắng lợi mới, trong đó có thắng trong chuyện rượu. Tư tôi mong và tin như vậy.

Tư rèn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn