Hội Chữ thập đỏ huyện Hồng Ngự

Điểm tựa cho người khiếm thị

Cập nhật ngày: 22/02/2021 14:11:26

ĐTO - Không chỉ quan tâm công tác đào tạo nghề, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Hồng Ngự còn là điểm tựa hun đúc tinh thần giúp người khiếm thị vượt qua mặc cảm, tự lực vươn lên trong cuộc sống...


Dạy nghề đan võng cho hội viên khiếm thị

Toàn huyện Hồng Ngự có 125 người khiếm thị, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Thấu hiểu và chia sẻ với họ, thời gian qua, Hội CTĐ huyện chú trọng chăm lo đời sống, tặng thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Trong năm 2020, tổng số tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân khoảng 700 triệu đồng. Qua đó, khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc cho người khiếm thị trong huyện.

Bà Trần Thị Lạ - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hồng Ngự cho biết, bản thân tôi cũng là người bị khiếm thị nên thấu hiểu những trăn trở với người cùng cảnh ngộ. Thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, quà trong các dịp lễ, Tết nhằm chia sẻ khó khăn với các hội viên, giúp họ vượt qua mặc cảm trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Hội CTĐ các cấp còn phối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề (xoa bóp, đan võng, đan giỏ, kết cườm...) phù hợp với sức khỏe, độ tuổi của người khiếm thị, giúp hội viên phát triển kinh tế. Đặc biệt, công tác xóa mù chữ cho người khiếm thị luôn được chú trọng. Thông qua những lớp học chữ Braille, tin học được tổ chức giúp cho người khiếm thị tiếp cận tri thức và tự tin hơn trong công việc, cuộc sống.

Chị Lê Thị Loan ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Khi chưa vào Hội, bản thân tôi rất ngại tiếp xúc với những người bên ngoài. Nhờ sự động viên chia sẻ của đơn vị và mọi người cùng cảnh ngộ giúp tôi bớt mặc cảm. Bên cạnh đó, tôi còn được học nghề để kiếm thêm thu nhập, giảm gánh nặng cho gia đình”.

Cùng với sự giúp đỡ, động viên của các cấp Hội và ý chí vươn lên của mỗi cá nhân, nhiều hội viên người khiếm thị trong huyện có thể tự chủ về kinh tế. Đặc biệt, đây còn là cầu nối giúp những trái tim đồng điệu tìm thấy nhau và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Thùy ngụ xã Thường Phước 2. Cả hai anh, chị đều khiếm thị, thông qua lớp dạy nghề của huyện tổ chức, họ quen và cưới nhau. Hiện, chồng chị Thùy đang làm công việc mát-xa tại TP.Hồ Chí Minh còn chị Thùy học thêm lớp đan võng để làm tại nhà. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 7 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình và chăm lo cho con ăn học.

Tiếp tục đồng hành hỗ trợ hội viên cải thiện chất lượng cuộc sống, các cấp Hội CTĐ trong huyện còn tạo điều kiện cho vay vốn ủy thác để hội viên phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ người khiếm thị nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

MINH THI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn