Đổi mới công tác điều trị, cai nghiện ma túy

Cập nhật ngày: 20/05/2017 09:54:04

ĐTO - Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 115/144 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy (MT). Người dân không khỏi lo lắng trước thực trạng ngày càng nhiều người nghiện “cái chết trắng”. Do đó, bên cạnh công tác đấu tranh phòng ngừa tệ nạn MT, việc đổi mới công tác điều trị, cai nghiện MT là hết sức cấp thiết, giúp cho người nghiện MT an tâm điều trị.


Người nghiện ma túy học nghề tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh

Tính đến tháng 4/2017, toàn tỉnh có gần 1.900 đối tượng sử dụng trái phép chất MT, trong đó đối tượng sử dụng MT có hồ sơ quản lý là trên 1.100 người. Các ngành đã phối hợp xác định tình trạng nghiện được gần 900 người.

Bên cạnh áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, ngành chức năng còn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (hiện Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp đang quản lý trên 150 học viên).

Trước tình trạng người nghiện MT đăng ký cai nghiện tự nguyện cũng như ngành chức năng đưa người nghiện MT đi các cơ sở điều trị nghiện ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác điều trị, cai nghiện MT cần đổi mới quyết liệt.

Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện MT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” đến năm 2020, các ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc; các sở, ngành và chính quyền, đoàn thể các cấp có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, cơ bản hoàn thành các bước về đề xuất danh mục dự án đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để nâng cấp, sửa chữa Cơ sở điều trị nghiện tỉnh đảm bảo thực hiện theo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Cơ sở điều trị nghiện.

Bên cạnh đó, Sở đã triển khai Quy chế phối hợp lập hồ sơ người nghiện MT đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở điều trị nghiện và quy định các chế độ hỗ trợ chữa trị, cai nghiện MT.

Những vướng mắc, khó khăn về trình tự thủ tục, quản lý người nghiện MT và lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bước đầu được khắc phục. Tòa án nhân dân cấp huyện cũng đã tổ chức nhiều phiên họp xem xét áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào Cơ sở điều trị nghiện để cai nghiện bắt buộc.

Trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, nhiều học viên của cơ sở đang được đào tạo nghề để khi tái hòa nhập cộng đồng có thể hỗ trợ tìm việc làm phù hợp, đảm bảo có thu nhập, phòng ngừa tái nghiện.

Thực hiện đổi mới công tác điều trị, cai nghiện MT, hiện nay tỉnh đã triển khai được 2 điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc và 1 điểm vệ tinh tại TX.Hồng Ngự, đang điều trị cho trên 220 bệnh nhân (so với chỉ tiêu Chính phủ giao vượt 122%), trong đó có 12 bệnh nhân nữ, số bệnh nhân điều trị trên 6 tháng là 203 người, số bệnh nhân nhiễm HIV là 9 người.

Việc đổi mới công tác điều trị, cai nghiện MT là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, qua đó kiềm chế sự gia tăng, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tác hại của tệ nạn MT đối với đời sống xã hội.

Trong quá trình đổi mới công tác này, thiết nghĩ ngành chức năng cần cải tạo các cơ sở cai nghiện MT theo hướng đa chức năng, thân thiện và dễ tiếp cận đối với người nghiện; cần nghiên cứu, đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời xây dựng quy trình và tiến hành điều trị nghiện MT có hiệu quả với từng loại MT, đặc biệt là MT tổng hợp để áp dụng tại các cơ sở cai nghiện MT và cơ sở y tế.

Như Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn