Hành xử thiếu ý thức nơi công cộng
Cập nhật ngày: 21/04/2017 10:48:58
ĐTO - Thản nhiên vứt chai nước, túi ói, túi nilon chứa rác xuống đường; cười nói huyên thuyên trong các cuộc họp, quán cà phê; ăn mặc hở hang; chen lấn để thanh toán tiền trong siêu thị,... những hình ảnh này không khó bắt gặp ở nơi công cộng.
Một cô gái mặc áo hở lưng khi qua phà Cao Lãnh
Khoảng 8 giờ, sau khi cùng tham gia sinh hoạt trong một câu lạc bộ, một nhóm phụ nữ tầm 45 - 60 tuổi ăn mặc lịch sự vào quán giải khát S.T, phường 2, TP.Cao Lãnh uống nước. Nhưng khi họ đến, một số người ngồi gần tỏ vẻ khó chịu, bởi họ thường ồn ào, nói cười ầm ĩ như chốn không người. Một người trong nhóm còn mang theo hạt dưa, hạt bí ngồi ăn, sau đó vứt vỏ hạt tứ tung trên bàn, dưới thềm gạch, bất chấp ánh nhìn của những người xung quanh. Một khách ngồi gần bức xúc: “Mình tưởng các chị đáng tuổi ông bà sẽ lịch sự, ai ngờ không phải vậy, họ cười hô hố, nói chuyện oang oang. Đành là giàu có, là lớn tuổi, là dân đi làm, dân buôn bán, nhưng đây là nơi công cộng, mình phải giữ lịch sự xung quanh. Không thể tự nhiên như ở nhà được”.
Trên thực tế, nhiều người dù chứng kiến sự việc tương tự nhưng vẫn im lặng, không dám phản ứng vì sợ gặp phiền phức. Lâu ngày, những việc nhỏ nhặt trở thành một thói quen, và ai cũng nghĩ là chuyện nhỏ, chuyện bình thường. Một số quán gặp khách “bất lịch sự” nhưng vẫn không dám nhắc nhở vì sợ “mất mối”. Bà Nguyễn Thị D. ngụ đường Hùng Vương, khóm 3, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Có 1 người khách chuyên cho tiền góp, vào quán cứ khoảng 4 giờ chiều là đòi nợ người vay mà miệng thì chửi thề, nói tục um sùm. Ban đầu không nói gì, nhưng về sau thấy những người khách ngồi bàn bên cạnh khó chịu, tôi nói chuyện với em này và kiên quyết không cho vào quán nếu cứ chửi thề như vậy. Cứ ồn ào như thế về lâu dài rất ảnh hưởng vì người ta vào quán thích không gian yên tĩnh, ồn ào thì không ai chịu được”.
Học sinh để rác vương vãi trên ghế sau khi tham gia chương trình tư vấn mùa thi
“Thước đo” về trình độ học vấn cũng không có ý nghĩa khi vào trong cuộc họp, một số người lại thoải mái làm việc hay nói chuyện riêng. Người ở trên cứ nói, người dưới lấy bánh, kẹo ra ăn hoặc chơi game. Có trường hợp trong một lớp học gần 80 người, để “tránh” buồn ngủ, một số bạn ngồi cuối lớp tranh thủ lúc thầy cô giảng bài lấy xoài, cóc ra thoải mái ăn, có khi đem máy tính bảng chơi game online. Một số người giải thích cho sự ồn ào của mình trong các cuộc họp là do buồn ngủ, do người nói không hấp dẫn hoặc do người ngồi cạnh gợi chuyện nên nói theo,... nhưng quên mất những hành vi này đã thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác.
Trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường Đại học Đồng Tháp gần đây, một số học sinh đặc biệt quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp thì chăm chú lắng nghe. Tuy nhiên vẫn có một số em khác xem đây dường như là một buổi “dã ngoại”. Tiếng những người tư vấn bị lấn át bởi tiếng cười nói ồn ào của các em. Các trường cử giáo viên đi theo để giữ gìn trật tự và nhắc nhở các em, nhưng xem ra chỉ một số em ngồi các hàng ghế trên tập trung chú ý, còn các em ngồi phía dưới thì thoải mái nói chuyện. Các em còn mang bánh tráng trộn, nước mía bày biện ra ăn một cách tự nhiên dù phía trên sân khấu các diễn giả đang nói về nghề nghiệp cũng như những thông tin bổ ích. Chưa hết, sau khi ăn xong các em vứt rác phía dưới ghế. Khi buổi tư vấn kết thúc, rác là những tờ rơi, nước uống, cơm hộp, bánh tráng trộn vương vãi trên ghế, nền sân. Ngoài chuyện ăn, chuyện nói, chuyện mặc cũng trở nên “ngại” mắt khi các em gái chọn phong cách khiêu gợi. Trong một lần sang phà Cao Lãnh, người đi phà bị “thu hút” bởi một em gái được bạn trai chở trên xe máy, không chỉ khoe phần cổ trắng ngần, em khoe luôn phần dây, cúc cài áo lót.
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp, trong đó có mục tiêu “Đồng Tháp là nơi đáng sống với cộng đồng dân cư. Con người Đồng Tháp năng động, thích ứng tốt với sự thay đổi, có tinh thần hợp tác, ứng xử văn hóa nơi công cộng, ý thức chấp hành pháp luật tốt, yêu quê hương”. Do vậy, việc giáo dục, điều chỉnh hành vi nơi công cộng là thực sự cần thiết. Trong môi trường giáo dục, học sinh cần được giáo dục những kỹ năng mềm như: thói quen gặp người khác phải chào hỏi, nghiêm túc khi tham gia sinh hoạt tập trung. Người lớn cần gương mẫu, giáo dục con em cách ứng xử từ những việc nhỏ trong gia đình, ngoài xã hội, bởi hành vi và ý thức hành xử nơi công cộng không chỉ tồn tại nhất thời, mà có ý nghĩa lâu dài trong sinh hoạt, là thước đo văn hóa của mỗi người.
C.P