Hiệu quả công tác hòa giải cơ sở tại huyện Thanh Bình
Cập nhật ngày: 19/07/2019 16:03:35
ĐTO - Sau 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở (HGCS), công tác HGCS trên địa bàn huyện Thanh Bình đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nêu cao tình đoàn kết, yêu thương trong gia đình, cộng đồng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Một buổi hòa giải tại Tổ hòa giải cơ sở ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú
Kể từ khi Luật HGCS có hiệu lực (từ ngày 1/1/2014), hàng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch triển khai các nội dung về Luật HGCS đến các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch thực hiện. Theo đó, các đơn vị từ huyện đến xã, thị trấn triển khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương mình và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung các văn bản pháp luật trong nhân dân. Kết quả từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về HGCS được 109 cuộc, có 3.644 lượt người tham dự.
Mỗi năm, UBND huyện tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ làm công tác HGCS nhằm nâng cao chất lượng hoạt động HGCS. Bên cạnh, gắn việc tổ chức các hội thi với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật HGCS trong quần chúng nhân dân qua phương tiện thông tin, truyền thông cũng được chú trọng thực hiện.
Việc củng cố, kiện toàn các Tổ HGCS trên địa bàn huyện được thực hiện cơ bản đảm bảo đúng quy định. Phòng Tư pháp phân công chuyên viên phụ trách hướng dẫn chuyên môn và các phần việc có liên quan đến công tác hòa giải trên địa bàn. UBND cấp xã, thị trấn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam cùng cấp, hằng năm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn, công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên (HGV) của địa phương. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện còn phối hợp với các cấp, ngành thường xuyên gắn công tác HGCS với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, các phong trào tại cộng đồng dân cư, góp phần và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bà Võ Thị Tuyết Trinh - Phó trưởng Phòng Tư pháp cho biết: “Hàng năm, đơn vị đều kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác HGCS tại các xã, thị trấn. Từ đó kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, giúp công tác này nâng dần chất lượng và hoạt động nề nếp, đảm bảo quy định pháp luật. Bên cạnh, đề nghị UBND huyện khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp luật về HGCS nhằm khích lệ, động viên tinh thần các HGV, góp phần thực hiện tốt công tác HGCS”.
Theo Phòng Tư pháp huyện Thanh Bình, nhìn chung, công tác HGCS trên địa bàn huyện đã được thực hiện đảm bảo theo quy định pháp luật. Công tác phối hợp giữa các ngành được thực hiện đồng bộ, từ cấp huyện đến cấp xã. Công tác HGCS hiện nay cơ bản đi vào nề nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Toàn huyện hiện có 55 Tổ HGCS tại 13/13 xã, thị trấn với 364 HGV (có 67 nữ). 5 năm qua, các Tổ HGCS đã thụ lý 2.485 vụ việc về tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự (1.136 vụ); hôn nhân gia đình (834 vụ) và các vấn đề khác (515 vụ). Kết quả, đã hòa giải thành công 2.017/2.485 vụ việc, đạt trên 81,16%.
Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng hoạt động HGCS trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: công tác lãnh, chỉ đạo của UBND với công tác HGCS ở một vài địa phương đôi lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ; chưa khuyến khích, huy động được các cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn tham gia làm HGV tại địa bàn; trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ HGV chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn... “Thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và công tác phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác HGCS; phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành tư pháp trong hoạt động HGCS; kiện toàn, nâng chất Tổ HGCS thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ HGV và tạo điều kiện cho HGV tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải.... Qua đó, nâng cao hiệu hoạt động HGCS, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương” - Võ Thị Tuyết Trinh nhấn mạnh.
LÊ THANH