Hội viên phụ nữ thoát nghèo nhờ trồng rau an toàn
Cập nhật ngày: 01/01/2018 06:17:27
ĐTO - Những năm gần đây, tại xã Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự), mô hình trồng rau an toàn (RAT) do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai thực hiện được đông đảo hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn tích cực tham gia.
Trồng hành lá
Nhận thấy vị trí địa lý của địa phương khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhất là trồng các loại rau màu, từ năm 2006, Hội LHPN xã Phú Thuận A đã vận động hội viên phụ nữ tham gia thành lập Tổ liên kết trồng RAT ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A (gọi tắt là Tổ). Bước đầu, Tổ có 25 hộ tham gia, đến nay đã tăng lên 75 hộ thành viên. Hàng tháng, các thành viên trong Tổ tham gia sinh hoạt định kỳ trao đổi kinh nghiệm trồng rau, phương thức mua bán, chọn loại rau phù hợp theo thời vụ, cập nhật giá cả từ thương lái...
Định kỳ hàng năm, Hội LHPN xã phối hợp với Hội cấp trên và Trạm Khuyến nông huyện Hồng Ngự tổ chức cho các thành viên trong Tổ liên kết tham gia các lớp tập huấn trồng trọt về quy trình trồng RAT, phương pháp sử dụng phân bón, cách phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất RAT. Một số hộ thành viên trong Tổ còn khó khăn về kinh tế có mong muốn trồng RAT, Hội LHPN xã mạnh dạn đề xuất lên Hội phụ nữ cấp trên giúp đỡ và được hỗ trợ cho Tổ liên kết trồng RAT vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Các chị em phụ nữ trong Tổ còn bàn bạc, thống nhất thành lập Quỹ góp vốn xoay vòng giúp các thành viên trong lúc khó khăn, thiếu vốn nhất thời hoặc mua sắm một số vật dụng cần thiết trong gia đình.
Những hỗ trợ tích cực của Hội LHPN xã và Hội cấp trên tạo động lực thúc đẩy chị em phụ nữ hăng hái, đoàn kết giúp nhau trồng rau đạt hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, nguồn rau chỉ cung ứng trong địa phương và các chợ đầu mối trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, rau đạt chất lượng, đa dạng về chủng loại, phù hợp thời vụ nên việc mở rộng thị trường thuận lợi hơn.
Đến nay, nguồn rau của Tổ đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang các huyện lân cận, các chợ ở TX.Tân Châu (tỉnh An Giang), chợ Cao Lãnh, TP.Hồ Chí Minh, nước bạn Campuchia... Từ hiệu quả thực tế, mô hình giúp các thành viên trong Tổ liên kết trồng RAT có việc làm và thu nhập ổn định, hạn chế thời gian rảnh rỗi, góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cũng được nâng cao hơn.
Cô Trần Thị Khôn - thành viên Tổ liên kết trồng RAT ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, không có đất canh tác, cả nhà đều làm mướn để kiếm thu nhập nên kinh tế rất bấp bênh. Từ khi tham gia Tổ liên kết trồng RAT của Hội LHPN xã, gia đình tôi được hỗ trợ một số vốn ban đầu để trồng rau, được cập nhật kiến thức trồng rau sạch, an toàn với người tiêu dùng, khi thu hoạch cũng không sợ bị thương lái ép giá do mình bán chung tập thể với số lượng nhiều. Nhờ trồng rau đạt năng suất giúp gia đình tôi mua thêm hơn chục công đất canh tác, đến nay gia đình tôi có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng từ việc trồng rau, kinh tế gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả”.
Theo Hội LHPN xã, hiện trên địa bàn xã Phú Thuận A có khoảng 71ha đất chuyên sản xuất RAT cung ứng mỗi ngày trên 20 tấn rau ra thị trường. Hội LHPN xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích chị em phụ nữ tham gia mô hình trồng RAT, mở rộng diện tích sản xuất và thị trường tiêu thụ, đề xuất chính quyền và các ngành liên quan hỗ trợ để sản phẩm của Tổ được bày bán ở các siêu thị trong tỉnh.
Chị Phan Thị Diễm - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thuận A cho biết: “Năm 2016, để chuyên nghiệp hơn trong quy trình sản xuất RAT, Hội LHPN xã đã vận động chị em trong Tổ liên kết tham gia thành lập Tổ hợp tác trồng RAT gồm 12 thành viên với quy chế hoạt động cụ thể. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn hình thành các Tổ chuyên cắt rau, lặt rau, qua đó mang lại thu nhập ổn định từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày/người. Mô hình đã giải quyết cơ bản việc làm cho hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển”.
NGÂN NGUYỄN