Hợp sức trong cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn

Cập nhật ngày: 25/02/2017 07:15:35

(Ông Phạm Văn Phước - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp).

 * PV: Chưa khi nào công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm như hiện nay. Xin ông cho biết công tác này trên địa bàn tỉnh chuyển biến như thế nào?

- Ông Phạm Văn Phước: Công tác bảo đảm an ATTP được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các ngành chuyên môn và chính quyền cấp huyện, xã đã tích cực triển khai nhiều hoạt động bảo đảm ATTP theo phạm vi trách nhiệm phân công và theo địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong công tác vận động và giám sát bảo đảm ATTP; các cơ quan truyền thông, nhất là Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp,... đã tích cực phối hợp đưa các bản tin, chuyên mục, chuyên đề về ATTP, kịp thời thông tin cảnh báo an toàn và khuyến cáo đến người dân trong công tác bảo đảm ATTP cho bản thân và gia đình.


Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

Có thể nói, công tác bảo đảm ATTP năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho công tác quản lý ATTP, cùng với điều kiện pháp lý và sự hỗ trợ về nhân lực, tài lực và vật lực, góp phần nâng cao hiệu quả trong cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn.

* PV: Những nỗ lực của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua; những giải pháp, việc trọng tâm của ngành trong thời gian tới?

- Ông Phạm Văn Phước: Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 708/QĐ-UBND-HC ngày 24/7/2015 về việc ban hành Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh ban hành Kế hoạch số 147/KH-BCĐ ngày 7/9/2015 thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2016 - 2020. Các văn bản này đã làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cho các sở, ngành liên quan, định hướng các chỉ tiêu trọng điểm và đề xuất hỗ trợ kinh phí kịp thời thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, Sở Y tế triển khai bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mùa hè, mùa lũ; tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 13/5/2016 triển khai Tháng cao điểm thực hiện công tác bảo đảm ATTP của tỉnh Đồng Tháp; trình UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch liên tịch 197/KHLT-UBND-MTTQ ngày 6/10/2016 về việc phối hợp thực hiện công tác vận động và giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Các văn bản này là cơ sở để các ngành, các cấp và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tham gia thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* PV: Ông cho biết những khó khăn, tồn tại cần khắc phục để công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP đạt kết quả cao hơn, thiết thực hơn?

- Ông Phạm Văn Phước: Công tác quản lý ATTP trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, tiêu biểu như:

Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP chưa đáp ứng nhu cầu công tác. Cán bộ tuyến xã, phường thuộc ngành y tế đa số kiêm nhiệm, không cố định, do đó việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP còn nhiều khó khăn.

Công tác truyền thông tuy được quan tâm nhưng hiệu quả thực hiện chưa đạt như mong muốn do còn nhiều hạn chế về kinh phí, nội dung, hình thức truyền thông.

Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao, các hành vi vi phạm có xu hướng phức tạp dần theo từng giai đoạn và rất khó phát hiện, ví dụ như hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp. Các loại hóa chất rất đa dạng về chủng loại trong khi năng lực kiểm nghiệm tại địa phương có giới hạn, công tác định danh các loại hóa chất này chưa đáp ứng theo kịp nhu cầu thực tế.

Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ không đảm bảo. Vẫn còn các cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, tự phát, nhiều cơ sở chưa ý thức trong việc thực hiện quy định về vệ sinh ATTP như: xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ.

Các đối tượng vi phạm đa phần là những hộ kinh doanh cá thể có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, địa điểm kinh doanh không cố định nên công tác xử lý các hành vi vi phạm có những khó khăn nhất định.

Để đạt kết quả cao hơn, khó khăn cần giải quyết là củng cố tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các tuyến. Vì công tác thanh kiểm tra là một hoạt động trọng tâm bảo đảm ATTP, với mục đích ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, hạn chế thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường. Vấn đề này Chính phủ và các Bộ cũng đã nhận thấy và đang tổ chức thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh cũng đã xem xét, chỉ đạo, tuy nhiên do một số quy định về biên chế hành chính; chưa có quy định về huy động lực lượng kiêm nhiệm thực hiện công tác này nên hiện nay lực lượng thanh kiểm tra vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công tác.

* PV: Những trăn trở của ông về công tác vệ sinh ATTP và ông có những khuyến cáo gì đối với người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng... về vấn đề này?

- Ông Phạm Văn Phước: Mặc dù công tác bảo đảm ATTP gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại khá nhiều. Trong đó, điều tôi trăn trở nhất hiện nay là tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng cơ sở thực phẩm ngày càng gia tăng, trong khi nguồn lực hiện tại chỉ cơ bản đáp ứng các hoạt động thường kỳ, do đó nguy cơ xảy ra các sự cố mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là rất lớn.

Trong công tác bảo đảm ATTP, bên cạnh sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các ngành chức năng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu giảm thiểu ngộ độc thực phẩm. Do đó, để đảm bảo ATTP, người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nên lưu ý một số vấn đề sau:

Đối với người sản xuất - chế biến, kinh doanh thực phẩm, phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP như: điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, con người; không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dùng hóa chất, phụ gia không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế để sản xuất - chế biến, kinh doanh thực phẩm; khi sử dụng phụ gia thực phẩm, phải đảm bảo đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; không kinh doanh sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu cách chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, tìm hiểu nội dung “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn”, “5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn”; chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua thực phẩm được bày bán ở những cơ sở được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và ở các cửa hàng có đầy đủ điều kiện kinh doanh, có trang thiết bị bảo quản phù hợp, bảo đảm ATTP, bảo quản thực phẩm đúng theo qui định của nhà sản xuất; từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn như: những quầy hàng, quán hàng bụi bẩn, ẩm ướt gần khu ô nhiễm...; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

* PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn