Khó khăn khắc phục thiệt hại sau sạt lở

Cập nhật ngày: 16/06/2017 10:20:47

ĐTO - Giống như nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều khó khăn do sạt lở gây ra. Trong đó có việc khắc phục thiệt hại cùng với di dời các hộ dân sau sạt lở.


Sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Ảnh: Mỹ Lý

Theo thống kê từ năm 2005-2016, trên chiều dài dòng chính sông Tiền (địa phận Đồng Tháp) khoảng 122,9km thì có đến 101km đường bờ sông bị sạt lở (khoảng 80% so với tổng chiều dài dòng chính). Về diện tích đất sạt lở, trong giai đoạn 2005 - 2016, bờ sông Tiền tỉnh Đồng Tháp mất tổng cộng 291,74ha đất do nước cuốn trôi. Thiệt hại do sạt lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/5/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ sạt lở tại các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông và TX.Hồng Ngự với tổng chiều dài sạt lở 4.144m (sạt lở sâu vào bờ từ 1 - 20m), diện tích sạt lở 15.236m².

Sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về vật chất ước tính 3,78 tỷ đồng. Trong đó, huyện Thanh Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sạt lở. Các vụ sạt lở xảy ra trong tháng 4/2017 tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, đoạn sông Tiền cặp theo Quốc lộ 30 (đoạn từ vàm kênh Nguyễn Văn Tiếp đến cuối kè Bình Thành) có 227 hộ dân (với 851 nhân khẩu). Chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở là 3.298m² và có dấu hiệu tiếp tục sạt lở thêm 390m; UBND tỉnh Đồng Tháp đã 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp, với tổng chiều dài công bố là 600m. Khu vực sạt lở chỉ còn cách Quốc lộ 30 gần nhất là 15m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến Quốc lộ huyết mạch đi Campuchia. Khu vực sạt lở làm ảnh hưởng 44 hộ dân, 1 kho, 1 trụ sở Hợp tác xã xã Bình Hòa, 1 đài nước, trong đó có 7 hộ dân đã tự di dời đến nơi an toàn; 3 hộ di dời tạm đến trường học trong xã; còn lại 34 hộ dân, 1 kho, 1 trụ sở Hợp tác xã xã Bình Hòa, 1 đài nước cần tiếp tục di dời.

Kế đến là huyện Hồng Ngự xảy ra 6 vụ sạt lở tại xã Long Thuận và xã Phú Thuận A với chiều dài sạt lở là 191m, sâu vào bờ từ 3 - 20m, diện tích sạt lở 2.380m² gây thiệt hại 2 bè cá, ước thiệt hại khoảng 677 triệu đồng, ảnh hưởng đến 12 hộ dân, trong đó có 3 hộ dân đã được di dời, còn lại 9 hộ dân cần tiếp tục di dời.

Nguyên nhân sạt lở chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như: việc khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông cũng làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ, phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ. Hơn nữa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở.

Để đánh giá toàn diện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với tình hình sạt lở xảy ra liên tục trên nhiều địa phương và ngày càng nghiêm trọng trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát thực tế toàn bộ các điểm sạt lở nguy hiểm trên toàn tỉnh. Qua đó có cơ sở đánh giá, đồng thời chọn lựa các địa điểm thích hợp để xây dựng các cụm, tuyến dân cư, khẩn trương di dời người dân vào nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở.

Không chỉ đối diện với nguy cơ sạt lở cao, Đồng Tháp còn đang phải “đau đầu” tìm giải pháp giải quyết chỗ ở cho các hộ bị ảnh hưởng và hộ nằm trong vùng sạt lở. Qua kết quả kiểm tra thực tế, hiện toàn tỉnh có 4.077 hộ nằm trong vành đai sạt lở (cự ly từ 0 - 60m), trong đó có 2.440 hộ dân (cự ly từ 0 - 30m) thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao xảy ra bất cứ lúc nào. Cụ thể, tại huyện Hồng Ngự có 850 hộ; huyện Thanh Bình 790 hộ; huyện Tam Nông 200 hộ; TX.Hồng Ngự 100 hộ; TP.Cao Lãnh 100 hộ; huyện Cao Lãnh 200 hộ và huyện Châu Thành 200 hộ.

Trước tình hình sạt lở rất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, việc xử lý khẩn cấp để di dời, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân là rất cấp thiết. Tuy nhiên, nguồn lực tỉnh còn hạn chế, do đó UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ ngân sách Trung ương để khắc phục tình hình sạt lở.

Theo đó, UBND tỉnh mong muốn được hỗ trợ kinh phí trong năm 2017 để xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở dài 2.300m tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (227 hộ dân, với 851 nhân khẩu) với kinh phí thực hiện là 72 tỷ đồng; đoạn nguy cơ sạt lở rất cao có chiều dài khoảng 1.700m từ chân kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (trừ đoạn 600m nêu trên), kinh phí thực hiện khoảng 172 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu hỗ trợ xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố (huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Châu Thành, Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự và TP.Cao Lãnh) để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân đang nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao xảy ra bất cứ lúc nào. Dự kiến, kinh phí thực hiện khoảng 656 tỷ đồng.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn