Khó khăn trong xây dựng đội ngũ cộng tác viên cơ sở

Cập nhật ngày: 28/10/2017 06:40:22

ĐTO - Với mục tiêu phát huy hiệu quả công tác tư vấn, trợ giúp trẻ em (TE) tại cộng đồng, từ đầu năm 2016, cơ cấu tổ chức, xây dựng đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội (CTV CTXH) ở cơ sở được tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Cộng tác viên công tác xã hội phường 6, TP.Cao Lãnh gặp gỡ trẻ em khó khăn trên địa bàn

Tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, chị Nguyễn Thị Kim Cương (ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) không nghĩ mình lại trở thành CTV CTXH. Bỡ ngỡ về chuyên môn, khối lượng công việc nhiều đã gây không ít trở ngại cho chị Cương trong việc tiếp cận, tìm hiểu, sâu sát đến từng đối tượng tại địa bàn. Chị bộc bạch: “Khi mới tiếp nhận công việc, do thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ nên tôi gặp nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận, can thiệp và tư vấn các trường hợp đặc biệt. Khó khăn nhất là khi phải gặp gỡ, tư vấn TE vị thành niên vi phạm pháp luật. Hơn nữa, vì đây là việc làm trái chuyên ngành nên đôi lúc tôi cảm thấy lúng túng khi khối lượng công việc quá lớn...”.

CTV CTXH phải quản lý các đối tượng gồm những người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ, người già và những TE có hoàn cảnh đặc biệt. Ở mỗi địa bàn cơ sở, CTV CTXH phải quản lý hàng trăm hộ, nhóm đối tượng khác nhau. Tất cả đòi hỏi người CTV phải có kỹ năng nắm bắt, tiếp cận để có thể sâu sát từng nhà, rà từng đối tượng. “Mình có gia đình, có con nên hiểu TE cần có tình thương, cần được bảo vệ, chăm sóc tốt. Do vậy, mỗi khi có trường hợp TE gặp khó khăn, tôi đều hết lòng giúp đỡ. Mình không giúp được trực tiếp nhưng có thể vận động mạnh thường quân hoặc cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ để các em có cuộc sống tốt hơn” - chị Nguyễn Thị Kim Cương cho biết.

Những vướng mắc trong việc tiếp cận, can thiệp và tư vấn các trường hợp đặc biệt là vấn đề trăn trở của hầu hết các CTV CTXH. Vậy nên, muốn làm tốt vai trò của CTV CTXH đòi hỏi phải có lòng yêu nghề và sự tự rèn luyện. Ngoài việc tham gia các chương trình tập huấn, rèn luyện kỹ năng, đào tạo chuyên môn do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, thời gian qua, nhiều CTV ở cơ sở cũng đã tự tìm học các lớp chuyên ngành CTXH để phục vụ nhu cầu công việc.

Là một CTV qua đào tạo trái ngành nhưng với lòng nhiệt quyết, muốn gắn bó dài lâu với nghề, anh Trần Ngọc Nhật Huy – CTV CTXH phường 6, TP.Cao Lãnh đã theo học lớp CTXH tại Trường Đại học Đồng Tháp và sắp trở thành cử nhân chuyên ngành này. Anh Nhật Huy tâm sự: “Làm CTV CTXH phải có lòng yêu nghề và tâm huyết. Vì người CTV phải thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ TE để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm hướng hỗ trợ các em. Do vậy, những ai không yêu nghề sẽ rất dễ chán nản và khó làm tốt công tác chuyên môn cũng như không thể gắn bó lâu với nghề được”.

Theo kế hoạch tuyển chọn, bố trí sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ CTV CTXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2018 của UBND tỉnh, CTV CTXH được ưu tiên tuyển chọn đầu tiên từ cán bộ hội, đoàn thể đang làm việc tại xã, phường, thị trấn có kinh nghiệm làm CTXH. Song, thực tế hiện nay không nhiều CTV được đào tạo bài bản về chuyên môn mà phần lớn chỉ qua các lớp tập huấn cơ bản, ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ này cũng là vấn đề trăn trở với định mức thù lao 1.0 lương cơ sở tương đương 1,3 triệu đồng. Còn ở khóm, ấp, mỗi nơi chỉ có 2 nhân viên y tế đã qua đào tạo phụ trách các công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe nhân dân và cả chăm sóc, bảo vệ TE tại địa bàn. Đội ngũ này sẽ được hưởng 0.3 mức lương cơ sở hiện nay bằng 390.000 đồng/tháng. Riêng 26 ấp vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở 2 huyện Tân Hồng và Hồng Ngự được hưởng 0.5 mức lương cơ sở, bằng 650.000 đồng/tháng. Mức thù lao như trên thật khó để CTV CTXH gắn bó lâu dài.

Bà Đỗ Thị Ngọc Hương – Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Cao Lãnh cho biết: “Thông qua các cuộc họp, những thông tin về TE được chúng tôi thường xuyên cung cấp cho CTV CTXH trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên mời những người chuyên sâu về CTXH của tỉnh trao đổi kỹ năng tham vấn, tiếp cận TE để từng bước trang bị kiến thức cho CTV CTXH. Tuy nhiên, những hoạt động trên vẫn chưa thể cung cấp đủ kiến thức cho CTV CTXH mà cần có những lớp tập huấn dài hạn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này”.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn