Kiểm tra, xử lý xe ô tô khách vi phạm an toàn giao thông
Cập nhật ngày: 04/03/2017 07:15:19
ĐTO - Đảm bảo giao thông trong thời điểm lễ, mùa hè, Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý các trường hợp xe ô tô khách vi phạm ATGT. Đây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo ATGT, quyền lợi cho hành khách di chuyển trên phương tiện này.
Xe ô tô khách đón khách tại bến theo quy định
Do nhu cầu đi lại của người dân, nên các phương tiện xe ô tô khách hoạt động với quy mô ngày càng tăng. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có xe dịch vụ khởi hành mỗi ngày đi các tuyến TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... Mỗi địa phương, số lượng phương tiện xe dao động từ 10 - 15 chiếc, từ 15 - 45 chỗ ngồi, chất lượng xe từ đời cũ đến xe đời mới, hiện đại. Khi có nhu cầu đi lại, hành khách chỉ cần gọi điện thoại, xe rước tận nơi hoặc chủ xe cho xe trung chuyển đến rước. Tuy nhiên, thực tế vì lợi nhuận, cạnh tranh với nhau, các chủ xe vẫn còn các lỗi vi phạm như: không “trung chuyển” khách vào bến mà đưa xe vào đón, trả khách trực tiếp tại điểm bán vé rồi khởi hành theo lịch trình, hành trình tuyến cố định; một số chủ xe đăng ký chạy tuyến cố định, nhưng chỉ vào bến xe ký sổ tài đầu, khi chạy quay đầu tài 2 thì không vào bến ký sổ mà chạy theo hợp đồng trá hình. Thời gian qua, một số xe ô tô khách chạy tuyến Tháp Mười, thu tiền vé của khách, nhưng không đưa vé cho hành khách theo quy định. Vào những thời điểm lễ, Tết, nhà xe thu tiền vé cao hơn giá niêm yết. Anh Nguyễn Văn Hưng ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Xe khách bấy giờ nhiều, chạy liên tục, tuy nhiên vẫn còn tình trạng chỗ ngồi trên xe lộn xộn, không theo thứ tự, dù đã đặt vé qua điện thoại. Có khi nhà xe thu cao hơn giá niêm yết”.
Đối với những người có thu nhập tốt, việc mua xe ô tô từ 15 - 25 chỗ để kinh doanh khá phổ biến. Sau khi mua xe, chủ xe chỉ cần thuê tài xế hoặc qua môi giới sẽ đưa rước khách theo hợp đồng đi du lịch, chùa, tham quan... Những chủ xe này, đa số vi phạm các lỗi như: không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, bán vé cho hành khách, chở người không có tên trong danh sách hành khách, có khi có hợp đồng thuê phương tiện và danh sách hành khách nhưng chỉ là hình thức để đối phó lực lượng chức năng; lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn nghiệp vụ vận tải khách và ATGT theo quy định; xe không có đăng ký phù hiệu hoặc lấy phù hiệu hợp đồng của xe khác để hoạt động nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra...
Một số phương tiện chạy tuyến từ TX.Hồng Ngự sử dụng phù hiệu giả. Tại huyện Lai Vung, một số chủ phương tiện đưa xe vào hoạt động trá hình tại ngã 5 Tân Thành, chủ yếu rước khách tuyến cố định nhưng làm hợp đồng, danh sách giả để đưa khách đi TP.HCM, trong đó có cả xe giường nằm. Tại khu vực chợ thuộc xã Tân Phước, huyện Tân Hồng có một số chủ xe hàng đêm từ 24 giờ cho xe chạy rước khách để đi TP.Hồ Chí Minh.
Xử lý các vấn đề liên quan đến xe ô tô khách vi phạm ATGT, Văn phòng Ban ATGT, Phòng Quản lý vận tải, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 49 trường hợp xe chạy tuyến cố định, xe chạy tuyến hợp đồng. Qua đó, đã lập biên bản vi phạm hành chính 38 trường hợp, giáo dục nhắc nhở 11 trường hợp. Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách; chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm các hành vi phạm; kiểm tra đột xuất trên các tuyến giao thông trọng yếu, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp tuần tra, kiểm soát với địa phương đảm bảo khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô, đảm bảo an toàn cho hành khách.
C.Phương